(Tin Môi Trường) - Hậu quả của biến đổi khí hậu từ vụ cháy rừng Amazon, sông băng Greenland tan... đến nhanh tới mức các nhà khoa học phải lên tiếng cảnh báo các quốc gia cần lên kế hoạch di tản cư dân đến vùng đất an toàn sớm trước khi quá muộn.
Nhà dân ở Tuckerton, New Jersey (Mỹ) bị ngập sau khi cơn bão Sandy đổ bộ vào bờ biển phía nam New Jersey hồi năm 2012 - Ảnh: AFP
Những sự kiện môi trường gần đây như sự biến mất của dòng sông băng tại Greenland, cháy rừng Amazon sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, tăng thêm các nguy cơ khác về biến đổi khí hậu.
Điều này đáng lo ngại đến mức các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu thảm họa tại Đại học Delwar (Hoa Kỳ) buộc phải lên tiếng cảnh báo các quốc gia trên toàn thế giới cần cần lên kế hoạch di tản cư dân đến vùng đất an toàn sớm trước khi quá muộn.
Theo dự đoán của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), mực nước biển sẽ tăng lên tới 77 cm vào cuối thế kỷ này nếu nhiệt độ tăng thêm vẫn ở mức 1,5 độ C. Nhiệt độ càng tăng thì mực nước biển cũng sẽ dâng cao. Nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C nữa thì nước biển sẽ dâng thêm khoảng 10 cm và làm cho hơn 10 triệu người trên toàn thế giới mất nơi sống.
"Biến đổi khí hậu sẽ đến nhanh. Cư dân ở quốc gia ven biển từ Bangladesh đến Philippines và các đảo nằm ở Nam Thái Bình Dương sẽ là những người đầu tiên hứng chịu hậu quả này", tiến sĩ khoa học AR Siders của Trung tâm nghiên cứu thảm họa Đại học Delwar cho biết trên Science.
Biến đổi khí hậu tác động mạnh và không thể kiểm soát, lũ lụt hạn hán sẽ diễn ra nhiều hơn, mùa hè kéo dài với nhiệt độ cao hơn, không khí nhiều chất độc gây nên nhiều căn bệnh mới. Hàng triệu người sống ven biển sẽ phải cần tìm nhà ở tại các quốc gia mới, trong khi những người khác sẽ cần di dời từ nơi thấp lên nơi cao hơn.
Các sự kiện thời tiết cực đoan, sự xâm nhập của nước mặn và cháy rừng cũng được IPCC dự đoán sẽ xuất hiện nhiều trong tương lai gần.
Theo tiến sĩ Siders, một số quốc gia chỉ cần đưa người dân khỏi những khu vực có nguy cơ, nhưng một vài quốc gia khác buộc phải di tản ra khỏi biên giới. Bởi vậy toàn thế giới cần lên kế hoạch ngay hôm nay theo cách công bằng nhất có thể, giảm thiểu chủ nghĩa gia trưởng cực đoan và sự chia rẽ văn hóa.
Bên cạnh ý kiến di tản dân cư của chuyên gia Trung tâm nghiên cứu thảm họa Đại học Delwar, Johanna Nalau - tiến sĩ khoa học của Đại học Griffith (Australia) đưa ra giải pháp rằng nên tránh xây dựng thêm cơ sở vật chất tại những khu vực được dự đoán không thể ở trong tương lai.
Có hàng triệu cư dân sống ven biển trên khắp thế giới. Nếu ngừng việc xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư mới sẽ giảm thiểu được một phần thiệt hại kinh tế trong trường hợp phải di tản trong tương lai.
"Hiện nay, các khu vực ven biển như Miami ở Mỹ đã bắt đầu giảm việc xây dựng hạ tầng khi thấy thiên tai đến nhiều hơn", tiến sĩ Nalau nói
Một phần trong chiến lược di tản toàn cầu là phải quản lý và đảm bảo được cuộc sống của người dân tại nơi mới. Phải làm sao để người dân không gặp khó khăn về tài chính, bởi chắc chắn kế hoạch này sẽ dẫn đến sự bùng nổ về bất động sản.
Lập kế hoạch cho tình huống đó, đồng thời giảm lượng khí thải hiện nay, có thể giúp việc di tản trở nên dễ dàng và công bằng hơn.