Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đường tới chùa Bái Đính - tuy quanh co nhưng... dễ hiểu

(09:10:18 AM 23/08/2019)
(Tin Môi Trường) - Từ Ba Vàng, mút tầm mắt qua Tam Chúc, Bái Đính, hẳn không khỏi “tự hào” bởi từ đấy, bao kỷ lục ghi-nét rình rang, xênh xang xác lập.

Đối với khu du lịch Tam Chúc, các quyết định giao đất của tỉnh Hà Nam cho thấy mục đích sử dụng đất chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc” mà không thể hiện loại đất gì, chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất (nếu trong phạm vi đất cho thuê có cả các công trình tôn giáo tín ngưỡng và trong phạm vi đất giao quản lý không thu tiền có cả công trình cho mục đích kinh doanh thương mại). 

 
Đối với núi chùa Bái Đính, trong quá trình giao đất, UBND tỉnh Ninh Bình chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng, không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất); không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của Luật đất đai nên chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất. 
 

Đường tới chùa Bái Đính - tuy quanh co nhưng... dễ hiểu

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đường đi của... đất tuy quanh co nhưng dễ hiểu
 
Đó là nội dung trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về việc cấp hàng ngàn hecta đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng để doanh nghiệp xây chùa Bái Đính, Tam Chúc, được ký ngày 19/8. 
 
Đối chiếu với hàng loạt vấn đề “không thống nhất”, “thiếu cơ sở”, “chưa xác định” từ mục đích sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, chính sách tài chính về đất, giá đất... lên trên hàng trăm, hàng ngàn hecta đất để thấy, luật pháp (cụ thể ở đây là Luật đất đai) chẳng khác nào... tờ giấy lộn! 
 
Chỉ với một dòng thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc”, mục đích sử dụng đất không hề phân loại “đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng” (điểm e - nhóm đất phi nông nghiệp - điều 10 - Phân loại đất - Luật Đất đai 2013) hay “đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng” ( điểm g). Và một khi không xác định loại đất thì việc giao đất (có thu tiền hay không thu tiền), mục đích sử dụng để làm gì, giá thuê đất bao nhiêu... được xác lập trên cơ sở nào? 
 
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đường đi của... đất tuy quanh co nhưng dễ hiểu. Đại khái là UBND tỉnh Hà Nam ra hàng loạt quyết định thu hồi 815,1 hecta đất và giao cho Sở Thương mại - Du lịch (từ năm 2006 -2009). Sau đó, tỉnh lại ra quyết định thu hồi đất đã thu hồi từ sở để giao cho doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (từ năm 2008 - 2011) thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc đã được phê duyệt. 
 
Ngày 22/8, thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Bái Đính và Tam Chúc khẳng định, hai ngôi chùa này là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, “không có cơ sở tôn giáo, chùa chiền nào thuộc sở hữu của tư nhân” - trích lời thượng tọa trên Dân trí. 
 
Ở đây chưa bàn đến tính sở hữu, bởi trên nguyên tắc căn bản “đất đai sở hữu toàn dân”, Nhà nước (là chính quyền địa phương tỉnh Hà Nam) trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng theo quy định của pháp luật (Luật đất đai 2013). Sử dụng (loại) đất tín ngưỡng tôn giáo, cụ thể là xây chùa (cho bá tánh thập phương vãng cảnh, tu tập...) khác với (loại) đất xây, đưa vào khai thác, kinh doanh nào nhà hàng, nào bãi đỗ xe, phí thuê xe điện, phí thuê hướng dẫn viên... dù cũng là “phục vụ” khách thập phương. 
 
Vì vậy, cần minh định ngay từ đầu, như đã nói là mục đích sử dụng đất, người sử dụng đất để là căn cứ “định giá” cho các điều khoản bắt buộc sau đó. Chính sự “chưa rõ ràng”, “quy định pháp luật chưa cụ thể nên một số địa phương vận dụng không thống nhất” - cũng là trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại phiên chất vấn ngày 5/6/2018, đã dẫn tới những nhập nhằng, nhá nhem mà hậu quả là hàng trăm, hàng ngàn hecta đất đồi, đất rừng phòng hộ, đất nông nghiệp bị thu hồi, bị phá vỡ, bị chiếm đoạt (sai mục đích). 
 
Một biểu tượng mang tính khởi nguyên, là Ông Đổng xứ Bắc “cắn nát núi, húi sạch rừng, ngưng ngang lũ” để khai phá, tấn công, tạo dựng nên vùng xứ kinh Bắc xưa và nay, giờ lại “ứng” ngay vào con cháu, cũng cắn nát núi, cũng húi sạch rừng nhưng không hề “ngưng ngang lũ”, cơn lũ của lòng tham, lũ của thiên tai đang cuốn trôi dần tất cả. 
 
Từ Ba Vàng, mút tầm mắt qua Tam Chúc, Bái Đính, hẳn không khỏi “tự hào” bởi từ đấy, bao kỷ lục ghi-nét rình rang, xênh xang xác lập. 
 
Tọa bán già ngay dưới chân Yên Tử, ngước nhìn lên, Ngự Dược Am còn lẩn khuất đâu đó trong mây mà nghĩ về 1.120 năm trước, cũng là những ngày tháng Bảy âm lịch này, Hương Vân Đầu Đà, hiệu của vua Trần Nhân Tông cất một chiếc am nhỏ, sơ sài. Một tháng sau, ngài xuất gia, không lễ nghi trang trọng, trở thành người truyền thừa chính thức của phái Yên Tử. 
 
Lẽ nào, mặc áo Phật, đảnh lễ Phật là xây chùa to, dựng Phật lớn, dát vàng quanh chánh điện mà tin rằng, đã cập bến giác hay có khi, đang bắt đầu đi vào bờ mê... 
(Ái Mỹ -báo Phụ Nữ TPHCM)