(Tin Môi Trường) - Môi trường phải "thông minh" là tiêu chí đầu tiên.
Ảnh: IE
Vài năm gần đây nhiều thành phố ở Việt Nam đua nhau xây dựng đề án đô thị thông minh. Có những thành phố dám bỏ số tiền lớn để thuê hẳn chuyên gia tư vấn nước ngoài và làm lễ công bố xây dựng thành phố thông minh rất hoành tráng. Nhưng một trong những tiêu chí cơ bản và đơn gian nhất của một thành phố thông minh là môi trường thông minh thì ít nơi giải quyết được. Từ Bắc chí Nam nhiều thành phố đang ngập ngụa trong rác làm cuộc sống người dân đảo lộn.
Khái niệm đô thị thông minh nghe có vẻ quen tai với người nhưng để hiểu về nó xem ra đang mơ hồ trong tâm trí của nhiều người dân. Mơ hồ không phải họ không quan tâm tìm hiểu, nhưng thực tế tiêu chuẩn của một đô thị thông minh bao gồm rất nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp cuộc sống, sinh hoạt của người dân tại đô thị. Cơ sở hạ tầng, nền hành chính, hệ thống giao thông, môi trường, quản lý đô thị, sản xuất chế biến.... đều được vận hành trơn tru, khoa học trên nền tảng công nghệ thông tin mang tính kết nối toàn diện.
Và để có được thành phố thông minh thì điều bắt buộc là phải xây dựng con người "thông minh’", tức trình độ người dân phải bắt kịp với nhịp độ vận hành của một đô thị thông minh. Những tiêu chí đưa ra có vẻ rất xa vời với cuộc sống thực tế, một số người còn cho đó là viển vông nên không buồn quan tâm.
Tiêu chí cơ bản hay đúng hơn là tối thiểu nhất để xây dựng thành phố thông minh là môi trường sống nơi đó thực sự phải là " thông minh". Việt Nam đứng thư tư thế giới về rác thải nhựa và đang có phong trào giảm phát thải rác nhựa tiến tới phân loại rác hữu cơ và rác thải rắn, nhưng thử hỏi ở Việt Nam hiện có bao nhiêu thành phố đã làm tốt việc xử lý rác thải, 100% rác thải đô thị được đưa vào nhà máy xử lý?
TP HCM một đô thị lớn nhất cả nước và là một đầu tàu kinh tế đóng góp hơn một phần tư ngân sách cho cả nước nhưng đang tồn tại một bãi rác Đa Phước với hình thức chôn lấp tạm bợ gây mùi hôi cho hàng trăm ngàn người ở các quận 7,8, Bình Chánh. Đà Lạt một thành phố du lịch nổi tiếng nhưng có đến ba phần tư rác thải sinh hoạt còn được xử lý bằng hình thức chôn lấp tạm bợ, hậu quả là đêm 9/8 bãi rác Cam Ly nằm trên một đỉnh đồi đã sạt trượt xuống các thung lũng phủ lấp 7ha đất nông nghiệp và kéo dài cả cây số, nhìn từ xa như một thác rác khổng lồ và gần như những cơ quan lien quan đang loay hoay, bối rối trong việc giải quyết sự cố này.
Bảo Lộc (Lâm Đồng), một thành phố nhỏ chỉ non 200 ngàn dân nhưng việc thu gom rác những ngày qua đang bị tê liệt, rác được chất đầy đường vì nhiều ngày không được thu gom. Sầm Sơn, thành phố biển của Thanh Hóa đang báo động vì không còn nơi để tiêu rác, bãi rác tập trung duy nhất của Sầm Sơn là Bắc Sơn đã quả tải thành núi rác cao hơn 10m, ảnh hưởng môi trường cho nhiều khu dân cư. Đang rất nhiều nơi nữa mà thỉnh thoảng trên các phương tiện truyền thông đưa tin về việc người dân chặn xe rác, họ ngăn cản để đòi hỏi một môi trường sống trong lành, không ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt...
Một đất nước với mức thu nhập trung bình như Việt Nam hiện nay xem ra còn rất nhiều thứ chưa bắt kịp với những nước phát triển, những đề án thành phố thông minh được công bố còn xa vời với cuộc sống thực tế. Một khi nhu cầu tối thiểu nhất như nước sạch, môi trường sống trong lành chưa thể giải quyết tốt thì rõ ràng khai niệm thành phố thông minh còn xa vời với dân chúng.