Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hóa chất biến cá ở Malaysia thành “đồng tính”

(22:34:49 PM 16/08/2019)
(Tin Môi Trường) - Người Malaysia đang phải đối mặt với mối đe dọa mới từ nguồn nước, các dòng sông ô nhiễm có chất gây rối loạn nội tiết biến cá trở thành “đồng tính”, thậm chí "lưỡng tính" - giáo sư Ahmad Zaharin Aris, Trường ĐH Putra Malaysia (UPM), khuyến cáo.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy con người và động vật có biểu hiện bất lợi đối với sức khỏe do tiếp xúc với các hóa chất trong môi trường có tương tác với hệ nội tiết.

 
Những ảnh hưởng này bao gồm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và các vấn đề sinh sản ở người lớn và khiếm khuyết tăng trưởng ở trẻ em.
 
Những hóa chất làm gián đoạn hệ thống nội tiết của con người đã có mặt trong nguồn cung cấp nước uống và thực phẩm ở Malaysia - ông Zaharin xác nhận.
 
 

Hóa chất biến cá ở Malaysia thành “đồng tính”

Các hóa chất ô nhiễm trong nguồn nước khiến giới tính của cá bị biến đổi lệch lạc. Ảnh: Today Online
 
Các chất gây rối loạn nội tiết được các ngành công nghiệp dược phẩm và mỹ phẩm thải ra trong quá trình sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, như chất khử mùi, chất tẩy rửa và thuốc chữa bệnh. Nó còn được thải ra bởi những người sử dụng các mặt hàng trên - ông Zaharin nói.
 
Qua các công trình nghiên cứu một số nguồn nước ở Malaysia của Trường ĐH Putra Malaysia, ông Zaharin cho biết: "Các chất gây rối loạn nội tiết đã tạo ra sự thay đổi giới tính một cách lạ thường ở cá. Khi nội tiết tố bị phá vỡ, cá đã thay đổi thói quen tình dục của chúng, dẫn tới tình trạng con trống bị thu hút bởi con trống và con mái hấp dẫn con mái". 
 
Về bản chất, đó là cá đồng tính - ông Zaharin khẳng định tại một hội thảo về ô nhiễm tại các dòng sông.
 
Ngoài ra, còn có những con cá sinh ra có cơ quan sinh sản "lưỡng tính", chẳng hạn như con cá trống có cơ quan sinh dục của con mái và ngược lại. Vì vậy, khi chúng ta ăn quá nhiều những con cá này, hóa chất độc hại có thể tích tụ trong cơ thể.
 
Ủy ban Dịch vụ Nước quốc gia Malaysia (SPAN) đang vạch ra kế hoạch giải quyết tình trạng các dòng sông ô nhiễm dai dẳng, dẫn đến việc phải cắt nguồn nước ở bang Selangor và làm cho 6.000 người ở gần khu công nghiệp Pasir Gudang, TP Johor mắc bệnh.
 
Các chuyên gia về nước coi chất gây rối loạn nội tiết là một dạng "chất gây ô nhiễm mới nổi", tồn tại dưới dạng hạt vi nhựa có trong nước thải được tìm thấy với số lượng ngày càng tăng.
 
Chủ tịch SPAN Charles Santiago cho biết các chất ô nhiễm này là một trong những thách thức mới đối với ngành công nghiệp nước Malaysia.
 
Chuyên gia Zaharin nói thêm rằng hiện có khoảng 40.000 "chất gây ô nhiễm mới nổi", trong đó chỉ có vài trăm chất được xác định. Theo ông, người tiêu dùng cần phải nhận thức được sự nguy hiểm của các chất này và hạn chế tiếp xúc với chúng đến mức tối thiểu. 
 
Theo ông, hãy sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay cho chai nhựa và ăn cá với số lượng vừa phải.
(Theo Today Online)