(Tin Môi Trường) - Người dân Đà Lạt và cả du khách không ngờ rằng những cọng rác do họ thải ra lại góp phần tạo nên một cơn lũ rác, tràn ngập những trại rau xanh và phá nát những vườn hoa ở hạ lưu suối Cam Ly, trong đợt mưa lũ vừa xảy ra tuần trước.
Hàng ngàn tấn rác, nhiều nhất là rác nhựa và bao nilông, chảy thành một dòng lũ, lấp lên vườn rau và hoa một lớp dày đến 4-5m.
Nhìn hình ảnh cả ngọn núi rác từ trên cao đổ ập xuống mà rùng mình. Có lẽ đây là lần đầu tiên xảy ra cơn lũ rác ở thành phố chỉ 400.000 dân, ở trong rừng và trên cao độ 1.500m.
Báo chí cho hay mỗi ngày bãi rác Cam Ly phải đón nhận khoảng 200 tấn rác, chất dần cao như một ngọn núi.
Theo phân tích của các chuyên gia, những đống rác thải rắn mắc kẹt ở hạ lưu dòng suối Cam Ly đã góp phần làm cho dòng chảy của nước mưa bị chậm lại, gây nên cơn ngập lụt chưa từng có ở các đường phố và khu dân cư nội ô Đà Lạt.
Rất may là chưa có người chết vì nước ngập và cơn lũ rác này. Nhưng hoa màu và những khu nhà kính trị giá hàng chục triệu đồng của nông dân đã đổ sập, vốn liếng coi như mất trắng.
Nỗi đau vì mất mát một cách tức tưởi của người dân, cũng như rác, không dễ tiêu tan, mà tích tụ dần trong họ.
Một tháng trước đó, hàng trăm người dân Đà Nẵng cũng đã chặn đường vào bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng) chỉ vì lý do tương tự. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu người dân chặn đường phản đối bãi rác này.
Chính quyền lại nỗ lực giải quyết, nhưng tình trạng ô nhiễm do rác kéo dài đến 30 năm này không dễ gì xử lý ngay được.
Và rác vẫn ngày một chất cao hơn, bây giờ đứng trên núi rác Khánh Sơn có thể nhìn thấy cả thành phố Đà Nẵng tráng lệ ở bên dưới. Không ai dám chắc núi rác này sẽ không xảy ra một cơn lũ rác như vừa xảy ra ở Cam Ly, Đà Lạt.
Các tài liệu môi trường vẫn còn nhắc nhở đến trận lở rác kinh hoàng vào năm 2000 ở bãi rác Payatas, thành phố Manila, Philippines, cướp đi sinh mạng của 218 người.
Vụ sạt lở xảy ra khi núi rác bất ngờ phát nổ, gây ra thảm họa đau đớn đó. Đến năm 2015, một vụ sạt lở khác xảy ra tại bãi rác khổng lồ ở ngoại ô thủ đô của Ethiopia, làm thiệt mạng hơn 100 người, phá hủy nhiều nhà cửa.
Các chuyên gia cho biết tỉ lệ sống sót của con người trong các thảm họa rác là rất thấp, do khí độc tích tụ rất nhiều trong các núi rác.
Những núi rác đó từ đâu sinh ra nếu không phải do con người thải ra? Và mỗi ngày, những núi rác càng cao chất ngất, do nhu cầu thải rác của con người luôn lớn hơn năng lực xử lý rác của họ.
Nếu không điều chỉnh cách sống, không giảm bớt thói quen thải rác vô tội vạ, không bỏ đi thái độ coi thường rác thì thảm họa rác hoàn toàn có thể xảy ra với bất cứ thành phố, làng quê nào của Việt Nam!