Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cột đá của Sự sống

(10:38:58 AM 11/08/2019)
(Tin Môi Trường) - Nằm cách thành phố Chiatura (Gieorgia) khoảng 10 km là ngôi làng Katskhi nhỏ bé, nơi gây ấn tượng với du khách nhờ một nhờ nằm cheo leo trên cột đá vôi nguyên khối, cao 40m.

Theo nhiều ghi chép lịch sử, thời kỳ trước khi Kitô giáo ra đời, cột đá được người dân bản địa sử dụng làm nơi thờ phụng các vị thần thánh, trong đó có một vị thần biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở.

 
Cột đá này trở thành nơi tu hành và sống ẩn dật của các tu sĩ khổ hạnh khi có sự xuất hiện của Kitô giáo ở Gieorgia vào thế kỷ 4.
 
Ngày nay nhà thờ trên đỉnh cột đá thuộc về Kitô giáo chính thống và được người dân địa phương gọi là "Pillar of Life" (tạm dịch: Cột đá của Sự sống).
 
Cột đá của Sự sống
Ảnh: Ancient Origins
 
Bản ghi chép duy nhất về cột đá Katskhi là của một học giả người Gruzia thế kỷ 18, người này ghi nhận đây là một nhà thờ nằm trên địa hình kỳ lạ và không thể tiếp cận.
 
Hiện nay, trên đỉnh cột đá Katskhi vẫn còn lưu giữ được một phần của nhà thờ cổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 6 - 8.
 
Không ai biết rõ làm thế nào và tại sao nó được xây dựng trên một nơi cheo leo như vậy.
 
Theo ý kiến của nhiều học giả, nhà thờ cổ này được các tu sĩ dòng khổ hạnh xây dựng nên, họ là những tín đồ Kitô giáo đầu tiên lên được đỉnh cột đá để cầu nguyện và thực hiện các nghi lễ tôn giáo.
 
Họ đã chọn nơi đây để "ẩn cư", tránh những cám dỗ của trần thế trong suốt hàng trăm năm, mãi cho đến thế kỷ 15 khi đất nước này bị đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) xâm chiếm.
 
Cột đá của Sự sống
Ảnh: Ancient Origins
 
Cột đá Katskhi vẫn còn là địa điểm bí ẩn cho đến tháng 7/1944, một nhóm thám hiểm do Alexander Japaridze và nhà văn Levan Gotua dẫn đầu chinh phục thành công cột đá Katskhi.
 
Trong một báo cáo năm 1946, Vakhtang Tsintsadze, chuyên gia về kiến ​​trúc cùng nhóm của ông đã khẳng định những tàn tích được tìm thấy trên đỉnh của cột đá Katskhi là của hai nhà thờ, có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thứ 6.
 
Tuy biết đến từ năm 1944, nhưng đến tận năm 1999 mới xuất hiện những báo cáo và các nghiên cứu một cách có hệ thống hơn.
 
Theo các bản báo cáo này thì trên khuôn viên khoảng 150m2 của cột đá Katskhi còn sót lại một nhà thờ thánh Maximus the Confessor, một hầm chứa xương cốt có niên đại khoảng 600 năm (được cho là chứa hài cốt của các tu sĩ từng sống tại đây), ba căn phòng nhỏ cho các tu sĩ, một hầm rượu và tàn tích của một tháp chuông.
 
Cột đá của Sự sống
Ảnh: Ancient Origins
 
Trong năm 2007, các nhà nghiên cứu phát hiện một phiến đá nhỏ khắc bằng bảng chữ cái asztavruli cổ của Gruzia, có niên đại vào khoảng thế kỷ 13. Thông qua đoạn văn bản tìm được, các chuyên gia cho biết người đã xây dựng nhà thờ cổ trên cột đá Katskhi có thể là một người có tên "Giorgi".
 
Hoạt động tôn giáo tại cột đá Katskhi bắt đầu "hồi sinh" vào năm 1995, với sự xuất hiện của cha Maxime Qavtaradze, 63 tuổi, một tu sĩ bản địa người Chiatura.
 
Ông cho biết, ước mơ được phụng sự Chúa và tu hành tại nhà thờ trên cột đá có từ khi ông còn trẻ. "Khi tôi cùng bạn bè đi đến đây và biết các tu sĩ đã từng sống ở đó từ rất lâu về trước và tôi cảm thấy rất tôn trọng họ và luôn luôn ao ước được giống họ", Qavtaradze chia sẻ.
 
Qavtaradze có một quá khứ không mấy tốt đẹp, ông cho rằng việc sống trên cột đá khiến có thể ông đến gần hơn với Chúa và lãng quên đi quá khứ của mình. "Khi còn trẻ, tôi đã từng là kẻ nghiện rượu, buôn bán ma túy, làm nhiều việc xấu. Khi ở trong tù, tôi biết rằng đã đến lúc thay đổi", ông nói.
 
Cột đá của Sự sống
Ảnh: Ancient Origins
 
Sau những năm đầu tiên sống trong điều kiện hết sức khó khăn trên cột đá Katskhi, ông Qavtaradze đã nhận được tiền quyên góp từ giáo chúng để xây dựng một nhà thờ mới. Ông Qavtaradze chia sẻ rằng ông từng phải ngủ trong một chiếc tủ lạnh cũ trong mùa đông đầu tiên vì quá lạnh.
 
Sau khi được chính quyền cho phép, cùng sự quyên góp và giúp đỡ của người dân và giáo chúng, nhà thờ trên đỉnh cột đá được sửa sang lại xây thêm khu nhà nguyện mới bên dưới chân cột.
 
Ông Qavtaradze dành phần lớn thời gian trên đỉnh cột và chỉ xuống dưới 2 lần mỗi tuần để cầu nguyện và trò chuyện cùng các giáo dân cần sự giúp đỡ.
 
Mỗi lần, Qavtaradze thường mất khoảng 20 phút để leo xuống bằng một cầu thang bằng sắt được gắn vào vách đá. Đây là lối đi duy nhất kết nối đỉnh cột với mặt đất và rất nhiều du khách sử dụng nó để leo lên. Tuy nhiên, gần đây cầu thang đang xuống cấp nghiêm trọng và chính quyền khuyến cáo không nên sử dụng.
T.T