Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ba năm vẫn “loay hoay” chưa có quy chuẩn cho Sữa học đường?

(10:12:23 AM 10/08/2019)
(Tin Môi Trường) - Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sữa học đường, trong đó có yêu cầu Bộ Y tế xây dựng các tiêu chuẩn sữa cụ thể. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn nào được ban hành...

Năm học mới sắp tới, các doanh nghiệp sữa và các bậc phụ huynh đều mong mỏi sẽ sớm có quy chuẩn cho Sữa học đường

 
Chậm trễ trong việc ban hành quy chuẩn cho Sữa học đường, do đâu?
 
Từ tháng 7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Trong đó quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế là “Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
 
Đến tháng 9/2016, Bộ Y tế ban hành Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường. Trong đó, Bộ Y tế giao Viện Dinh dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình Sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học. Quyết định trên cũng nêu rõ Báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30/6/2017.
 
Ba năm vẫn “loay hoay” chưa có quy chuẩn cho Sữa học đường?
Mục tiêu quan trọng của Chương trình Sữa học đường là cải thiện dinh dưỡng cho trẻ, tập trung vào giải pháp uống sữa nhằm đảm bảo cung cấp protein, canxi, vitamin D...
 
Mãi đến ngày 6/7/2017, Viện Dinh dưỡng Quốc gia mới có Công văn 351/VDD-DHĐ&NN gửi Cục An toàn thực phẩm kèm theo báo cáo kỹ thuật đề nghị tăng cường ít nhất 5 vi chất bắt buộc và 16 vi chất không bắt buộc vào sữa học đường.
 
Kéo dài thêm gần 1 năm, đến tháng 4/2018, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế mới đăng tải công khai trên website về Dự thảo Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020…
 
Từ đó đến nay, đã có nhiều hội thảo góp ý về quy chuẩn đối với sữa tươi tham gia Chương trình Sữa học đường. Mới nhất là vào giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế chủ trì cuộc họp góp ý dự thảo quy định này. Sau đó, Bộ này tiếp tục ban hành Dự thảo 9/7 Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 và đề nghị các doanh nghiệp liên quan góp ý trước ngày 12/7.
 
Thế nhưng giờ đã sang tháng 8, thời điểm năm học mới cũng sắp bắt đầu, trải qua nhiều cuộc họp nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin Dự thảo 9/7 này khi nào sẽ được ký ban hành. Dư luận đang đặt câu hỏi: Vì sao việc ban hành thông tư quy định đối với sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến nay vẫn chậm trễ, phải chăng vì quy định này đang động chạm đến “lợi ích nhóm”?
 
Quy định cần minh bạch, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp sữa
 
Ngày 2/8, PGS. TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam đã gửi công văn đến ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Thông tư quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”.
 
Trên cơ sở kiến nghị của một số thành viên, Hiệp hội Sữa Việt Nam đưa ra đề nghị mong mỏi Bộ Y tế nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để ban hành chính thức: "Thông tư quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020" trong thời gian sớm nhất để giúp các địa phương và doanh nghiệp triển khai hiệu quả Chương trình Sữa học đường.
 
Bởi theo yêu cầu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế tại Công văn hỏa tốc số 3963/BYT-BMTE ngày 10/7/2019 về việc góp ý dự thảo Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đã gửi đến các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội để đề nghị cho ý kiến đóng góp Dự thảo Thông tư trước ngày 12/7/2019. Ngay sau đó, hầu hết các đơn vị thành viên Hiệp hội Sữa được xin ý kiến đã đóng góp đúng thời gian quy định tại công văn số 3963/BYT- BMTE.
 
PGS. TS Trần Quang Trung cũng bày tỏ băn khoăn: “Trong khi năm học mới 2019 - 2020 lại sắp đến, việc triển khai Chương trình Sữa học đường tại các địa phương sẽ thuận lợi hơn nếu Thông tư nói trên được ban hành vì đây là một trong những căn cứ pháp lý để các doanh nghiệp, các địa phương triển khai các gói thầu”.
 
“Mục tiêu quan trọng của Chương trình Sữa học đường là cải thiện dinh dưỡng cho trẻ, tập trung vào giải pháp uống sữa nhằm đảm bảo cung cấp protein, canxi, vitamin D... Do đó, việc ban hành tiêu chuẩn cho sữa học đường là rất cần thiết. Khi chính thức ban hành Thông tư quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 sẽ giúp cho việc tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, giám sát trách nhiệm của đơn vị cung ứng sữa”, PGS. TS Trần Quang Trung nhấn mạnh.
 
Về quy định bổ sung các vi chất dinh dưỡng, Phó Trưởng Khoa Vi chất, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bà Trần Khánh Vân khẳng định: “Các vi chất được bổ sung trong sữa học đường hoàn toàn phù hợp với mức khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người Việt Nam và rất cần thiết để cải thiện tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em. Hàm lượng các vi chất bổ sung trong sữa cũng nằm trong hàm lượng mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị, phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới dành cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi. Theo nhiều nguyên cứu, bữa ăn của người Việt đang thiếu vi chất nên cần thiết bổ sung 21 vi chất”.
(Theo Công luận)