Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bảo vệ môi trường sao còn để học sinh bọc vở bằng bìa nilon?

(22:33:36 PM 29/07/2019)
(Tin Môi Trường) - Mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, tôi đều phải mua hàng chục bộ giấy bìa bằng nilon để bọc toàn bộ sách vở cho các con.

Ngày 25/7, Nguyệt Linh - học sinh lớp 6 tại Hà Nội - đã viết thư đề nghị thầy hiệu trưởng không thả bóng bay trong lễ khai giảng sắp tới. Lý do của em học sinh đưa ra rất thực tế: Rác từ những quả bóng bay có thể giết chết chim trời và rùa biển.

 

Bảo vệ môi trường sao còn để học sinh bọc vở bằng bìa nilon?
Nên bọc sách vở bằng giấy bìa, giấy báo -Ảnh: IE
 
Đọc những dòng thư của bé, tôi bỗng thấy giật mình. Các em đã biết quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường như vậy, còn mình thì sao? Tôi chợt nhớ đến thực tế ở chính gia đình mình. Là bố của hai trẻ đang học tiểu học, năm nào chuẩn bị bước vào năm học, tôi cũng phải mua vài chục bộ giấy bìa bằng nilon để bọc toàn bộ sách vở cho các con.
 
Tất nhiên, từng là học sinh, tôi hoàn toàn hiểu yêu cầu bọc sách vở của các nhà trường nhằm nhắc nhở các cháu có ý thức giữ gìn đồ dùng học tập, như truyền thống "giấy rách phải giữ lấy lề". Nhưng có nhất thiết phải "giữ lấy lề" bằng cái bìa bọc nilon như vậy không?
 
Gần như tất cả chúng ta đều nhận thấy hiện nay sách, vở được sản xuất rất đẹp, có bìa tốt, đủ bảo vệ cho ruột ở bên trong. Nhiều loại cũng đã được in sẵn nhãn vở ngay trên bìa. Nhưng nhiều trường vẫn bắt các cháu phải bọc rồi dán nhãn vở khác đè lên trên. Đó là hành động mang tính hình thức và lãng phí một cách vô lý. Không chỉ vậy, việc bọc sách, vở bằng nilon còn tạo ra những lượng rác thải nhựa rất lớn.
 
Tôi không rõ ở các tỉnh khác thế nào, hay ở Hà Nội có bao nhiêu trường yêu cầu các cháu bọc sách vở bằng nilon, nhưng chỉ cần vài chục trường có quy định như vậy, thử tính xem sau mỗi năm học, có bao nhiêu lượng bìa nilon bị thải ra? Trong đó, bao nhiêu phần trăm được thu hồi tái chế, bao nhiêu phần trăm đưa ra bãi rác hoặc tồn tại trong môi trường, rồi mất bao nhiêu năm mới phân hủy hết? Tôi không có chuyên môn về vấn đề này, nhưng ngay cả một người bình thường cũng hiểu rằng làm như thế là rất có hại đến môi trường.
 
Còn nữa, cứ mỗi dịp họp phụ huynh cuối năm, cô giáo (kết hợp với hội phụ huynh) thường phát cho mỗi phụ huynh học sinh một túi "clear bag" đựng tờ kết quả học tập và nhận xét của cô giáo. Nhiều khi tôi tự hỏi chúng ta đâu cần cái túi đó làm gì? Các cô hoàn toàn có thể phát trực tiếp cho từng phụ huynh cũng được mà? Các trường và các vị trong ban phụ huynh cũng nên bàn nhau bỏ mục này đi.
 
Tôi rất mừng khi biết rằng không chỉ thầy hiệu trưởng trường Marie Curie mà nhiều trường khác cũng đã lên tiếng đồng ý với cháu Nguyệt Linh, hứa trong lễ khai giảng này sẽ không thả bóng bay. 
 
Tôi cũng rất vui khi nghe một số bạn bè kể rằng, trường con các bạn học đã gửi thông báo đến phụ huynh, đề nghị năm học tới cho các cháu bọc sách vở bằng giấy bìa, giấy báo. Ý thức bảo vệ môi trường đang được nhen lên từ những việc nhỏ ở khắp nơi, từ không dùng ống hút nhựa, cốc nhựa, hạn chế chai nước dùng một lần...
 
Tôi mong rằng, Bộ Giáo dục và các sở Giáo dục cũng quan tâm về vấn đề bọc sách vở bằng nilon. Xa hơn, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhà trường tới các học sinh về việc hạn chế sử dụng các loại túi nilon, vật dụng nhựa sử dụng một lần, chuyển sang dùng những loại vật liệu dễ phân hủy, để góp phần làm cho đất nước ngày càng xanh, sạch, đẹp.
 
Một lần nữa, xin cảm ơn cháu bé Nguyệt Linh về bức thư gợi mở của cháu.
LONG LÊ (VnExpress)