(Tin Môi Trường) - Một kế hoạch bảo tồn khẩn cấp đàn voi rừng Nghệ An đã được xây dựng trong đó huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp từ xã, huyện, tỉnh và đặc biệt của các chủ rừng gồm các công ty lâm nghiệp, ban quản lý các rừng phòng hộ, người dân địa phương và Vườn Quốc gia Pù Mát.
Kế hoạch, được xây dựng bởi Vườn Quốc gia Pù Mát và WWF-Việt Nam với sự chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, đã hoàn tất và được trình bày tại hội thảo tham vấn các nhà khoa học, các nhà quản lý của tỉnh diễn ra ngày hôm nay tại thành phố Vinh. Những hoạt động chiến lược trong kế hoạch, sau khi được tỉnh phê duyệt, sẽ được đưa vào Dự án Quốc gia về Bảo tồn voi, giai đoạn II do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì.
Ảnh: Voi Châu Á
Nghệ An là một trong ba tỉnh của Việt Nam có số lượng voi hoang dã nhiều hơn mười cá thể, với 13-14 cá thể ngoài tự nhiên, phân bố tập trung tại khu vực Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát với 12 – 13 cá thể và vùng đệm của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống với một cá thể. Đây là niềm tự hào của tỉnh bởi sự tồn tại của voi hoang dã là chỉ số về chất lượng rừng tự nhiên và hiệu quả của công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, cũng giống như các đàn voi khác còn sót lại ở Việt Nam, sự sinh tồn của quần thể voi Nghệ An đang gặp nhiều thách thức và bị đe dọa nghiêm trọng.
Thách thức lớn nhất dẫn tới nhiều vấn đề khác đó là sự thu hẹp sinh cảnh. Rừng tự nhiên của hầu hết các đàn voi đều bị suy giảm về diện tích, suy thoái về chất lượng hoặc bị xâm lấn bởi hoạt động của con người. Theo báo cáo của Ban Quản lý VQG Pù Mát, tính từ 2010 đến 2018, hơn 12.000ha rừng tự nhiên tại xã Phúc Sơn, từng là sinh cảnh của voi, đã được quy hoạch và chuyển sang trồng cây cao su, cây công nghiệp khác. Mất đi sinh cảnh, nguồn thức ăn và hành lang di chuyển của voi đã sinh những xung đột nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm giữa voi và con người. Với tập tính di chuyển rộng, voi đi qua các vùng trang trại của người dân, phá hoa màu, phá lán trại gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Các công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ cũng chịu thiệt hại do voi, theo thói quen, vẫn tiếp tục di chuyển qua những nơi từng là hành lang di chuyển của chúng.
Không chỉ do xung đột với con người, khả năng tự phục hồi của đàn voi của Nghệ An còn gặp vô vàn khó khăn do voi đực bị đe doạ bởi nạn săn bắt để lấy ngà; số lượng cá thể còn ít, cộng thêm hoạt động xâm lấn của con người đã gây căng thẳng và ức chế tới hoạt động sinh sản của đàn voi. Ngoài ra, hiểu biết về tập tính, thói quen, cách tiếp cận trong bảo tồn voi còn hạn chế cũng như trang thiết bị còn thiếu khiến cho việc bảo tồn voi của các cán bộ chuyên trách gặp nhiều khó khăn.
Với quyết tâm bảo tồn quần thể voi rừng, Nghệ An đã xây dựng và thực hiện chiến lược bảo tồn voi trong 7 năm (2013 – 2020). Nhiều hoạt động đã được triển khai như xây dựng hào ngăn voi không ra phá hoại hoa màu của dân tại một số khu vực, triển khai các tuyến tuần tra, vận động chính sách nâng cao năng lực cho các cán bộ bảo tồn voi. Đã có những thành quả đáng khích lệ như từ năm 2013 tới nay không có vụ giết hại voi nào xảy ra trên địa bàn và đàn voi Cao Vều của VQG Pù Mát đã sinh thêm hai cá thể.
Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết: “Chúng tôi đã đạt được một số thành quả đáng kể trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề quan trọng như thiết lập vùng sinh cảnh sống cho voi, hiểu biết về các đàn voi cũng như các biện pháp bảo tồn hiệu quả, hay nâng cao nhận thức cho người dân địa phương vẫn chưa được thực hiện. Trong kế hoạch bảo tồn voi khẩn cấp gia đoạn 5 năm tới, được xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của WWF, những vấn đề trên sẽ được ưu tiên giải quyết. Đây là một kế hoạch có tính khả thi cao bởi nó được xây dựng dựa trên sự tham vấn tất cả các bên liên quan, từ chính quyền cấp xã, huyện tới các công ty lâm nghiệp và người dân. Tôi tin rằng, với quyết tâm của tỉnh và sự hỗ trợ của những tổ chức như WWF, đàn voi rừng Nghệ An sẽ có một tương lai tốt”.
Nhận định của Giám đốc VQG hoàn toàn có cơ sở khi tháng 6 vừa qua, UBND huyện Thanh Chương và huyện Anh Sơn đã ra văn bản yêu cầu chính quyền các xã, ban quản lý rừng phòng hộ và các nông trường cao su trên địa bàn phải có trách nhiệm bảo tồn đàn voi hoang dã trong khu vực. Đây là một sự chỉ đạo mang tính chiến lược của huyện nhằm giảm thiểu những mối đe doạ đối với voi khi chúng di chuyển ra ngoài khu vực được bảo vệ, đồng thời huyện cũng yêu cầu các cơ quan chức năng trên địa bàn nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp xử lý các vụ liên quan đến săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trong toàn huyện. Huyện Quỳ Hợp cũng đang chuẩn bị ra văn bản tương tự.
Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, Quản lý Chương trình Bảo tồn Voi của WWF-Việt Nam chia sẻ: “Sự phát triển nhanh chóng của con người đang làm mất cân bằng sinh thái trên toàn thế giới. Nhiều loài đã và đang biến mất vĩnh viễn, trong khi đó kiến thức của chúng ta về ảnh hưởng của mất mát đa dạng sinh học còn vô cùng hạn chế. Chúng ta phải hành động khẩn cấp để cứu những loài còn lại nếu muốn có một tương lai đáng sống cho loài người. WWF trân trọng và đánh giá rất cao những nỗ lực bảo tồn của tỉnh có sự tham gia của các bên từ cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và chủ rừng để cứu lấy đàn voi. Tiếp tục tìm kiếm kinh nghiệm trên thế giới để hỗ trợ bảo vệ, duy trì và phát triển đàn voi đang sống biệt lập như ở Nghệ An là ưu tiên của WWF Việt Nam trong thời gian tới.”
Bản Kế hoạch khẩn cấp bảo tồn Voi tỉnh Nghệ An, sau khi được tham vấn các cơ quan liên quan của tỉnh và các chuyên gia, sẽ được đệ trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 8 năm 2019. Kế hoạch bao gồm những vấn đề lớn trong bảo tồn voi tại Nghệ An như: giữ gìn chất lượng rừng và quy hoạch mở rộng sinh cảnh tự nhiên; giảm thiểu xung đột voi – người; và tăng cường thực thi pháp luật để chấm dứt nạn săn bắt voi lấy ngà cũng như buôn bán trái phép ngà voi. WWF sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch, cùng với việc tăng cường năng lực cho cán bộ bảo tồn voi.