(Tin Môi Trường) - PGS.TS Đặng Văn Hà cho rằng, việc dịch chuyển 100 cây hoa sữa lên trồng ở bãi rác Nam Sơn nhằm khử mùi hôi là không khả thi.
Kế hoạch chuyển khoảng 100 cây hoa sữa ở đường Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội) lên trồng tại khu vực bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) để "khử" mùi rác thải đang nhận được nhiều bình luận của các chuyên gia và người dân.
Ngày 19/7, trả lời, PGS.TS Đặng Văn Hà (Viện trưởng Viện kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị, Đại học Lâm nghiệp) cho rằng, kế hoạch này xuất phát từ phản ánh của người dân bởi từ lâu người dân Thủ đô đã phàn nàn với chính quyền TP về mùi hương của hoa sữa rất khó chịu.
Ông Hà cho rằng, việc di chuyển cây hoa sữa đi mà vẫn tái sử dụng được là tốt, tuy nhiên nếu mục đích của kế hoạch này là để khử mùi hôi ở bãi rác lớn nhất Hà Nội thì đó lại là giải pháp không khả thi, cần xem lại hiệu quả.
Chiều 18/7, trên tuyến phố Trích Sài, hàng chục cây hoa sữa đã được cắt cành để chuẩn bị dời đi.
“Tôi nghĩ việc di chuyển cây hoa sữa ra bãi rác trồng nhằm khử mùi là không khả thi, chưa có ai nghiên cứu về vấn đề này. Để hạn chế việc phát tán mùi hôi của bãi rác thì cần phải có giải pháp trồng tạo thành tường chắn, phải chọn dải cây theo hướng cản gió, so le, hạn chế phát tán mùi hôi theo hướng gió.
Đồng thời, cần có biện pháp tổ chức những đai cây quanh bãi rác, chứ việc trồng một vài hàng cây hoa sữa để cản mùi hôi thì không có tác dụng nhiều.
Theo quy định về thiết kế bãi rác, xung quanh các bãi rác phải có dải cây xanh cách ly, có đủ độ rộng, và có cấu trúc tầng tán nhất định thì mới phát huy hiệu quả việc ngăn cản phát tán mùi hôi của rác ra bên ngoài.
Đồng thời, tất cả những thứ phân hủy, nước phân hủy từ bãi rác ra khi đi qua dải cây này sẽ được hấp thụ, làm sạch đất ở đây. Trước nay, chưa nhiều người nghĩ, quan tâm đến vấn đề này. Vì thế, tôi nghĩ cần có giải pháp bảo vệ môi trường đồng bộ, lâu dài”, ông Hà cho hay.
Theo PGS.TS Đặng Văn Hà, đặc điểm nổi bật của cây hoa sữa là có mùi hương nồng đậm, khó chịu, nhất là phấn hoa gây dị ứng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đặc biệt là đối với những người có bệnh lý về hô hấp. Vì vậy, việc trồng cây hoa sữa ở bãi rác cần phải được nghiên cứu, tính toán kỹ để mang lại hiệu quả cao nhất, không ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.
“Việc chuyển cây hoa sữa ra trồng ở bãi rác với số lượng 100 cây như vậy thì cần nghiên cứu kỹ xem bãi rác đó có gần khu dân cư không. Nếu bãi rác giáp ranh khu dân cư thì trồng nhiều cây hoa sữa là không hợp lý. Bởi vì việc cộng hưởng mùi hoa sữa và mùi rác sẽ khiến người dân xung quanh khó chịu. Do đó, cần phải có kế hoạch trồng ở đâu, khu vực nào trên bãi rác để không ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư xung quanh.
Tôi nghĩ hoa sữa chỉ ra hoa một thời gian ngắn, một vài tháng. Do đó, việc chuyển hoa sữa ra trồng ở bãi rác nên hướng đến mục đích nhằm cải tạo môi trường bãi rác thì tốt hơn”, PGS.TS Đặng Văn Hà chia sẻ.
Bãi rác Nam Sơn.
Nói thêm về kế hoạch dịch chuyển cây hoa sữa ra khỏi nội thành, chuyên gia kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị cho rằng trước khi di dời cây, Hà Nội cần phải có kế hoạch trồng cây thay thế.
"Khi có kế hoạch di dời thì cần có cây trồng xen vào đó ngay, để có bóng mát ngay, ít ảnh hưởng đến môi trường. Tôi nghĩ việc trồng cây mới thay thế cần làm cách đây nhiều năm trước bởi vì khi di chuyển khoảng 100 cây hoa sữa sẽ để lại một khoảng trống lớn ở đường Trích Sài, trong khi các cây trồng mới chưa lấp đầy. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan, môi trường, nhất là vào những ngày hè nóng nực”, PGS.TS Đặng Văn Hà phân tích.
Trước đó, ngày 18/7, khoảng 100 cây hoa sữa trên đường Trích Sài (phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) bị cắt cành, cưa ngọn để chuẩn bị chuyển lên trồng ở bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội).
Mục đích của việc di chuyển những gốc hoa sữa này lên trồng tại khu vực bãi rác Nam Sơn nhằm tạo thành vùng đệm để hạn chế mùi rác thải và giải quyết được vấn đề bức xúc của người dân tại phường Bưởi.