(Tin Môi Trường) - “Giả sử nếu đó là ý kiến thật thì không bao giờ có tính khả thi, không trở thành hiện thực được. Tôi nghĩ đây không phải sáng kiến nghiêm túc mà mang tính khôi hài, và hài hước châm biếm đối với thành phố nhiều hơn".
Đây là quan điểm của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến xung quanh đề xuất của ĐB HĐND TP Hồ Chí Minh “phát lu cho mỗi nhà dân” để chống ngập nước cho thành phố.
Trao đổi về ý tưởng này, ông Lê Như Tiến cho rằng dù ĐBHĐ ND TP có đề xuất dựa trên căn cứ của Nhật Bản hay đâu đó, thì “đề xuất thì mang tính khôi hài nhiều hơn tính thực tiễn”.
Ông Lê Như Tiến
“Bởi vì làm sao biết lượng nước mưa bao nhiêu mà phát cho mỗi người một cái lu hay mỗi người một cái tec khoảng 1.000 lít nước. Các gia đình sẽ để vào đâu? Hứng như thế nào? Ví dụ hộ dân ở nhà tập thể hoặc chung cư thì người ta hứng ra sao?”, ông Lê Như Tiến đặt câu hỏi.
Cho nên theo ông Tiến “đề xuất như thế thiếu tính khả thi, mang tính hài hước, khôi hài và dường như có ý chỉ rằng nếu chính quyền không làm được thì coi như là giao nước mưa của trời cho nhân dân”.
Ông Tiến bày tỏ, việc chống ngập là của chính quyền thành phố, của chính quyền của các cấp chứ không phải việc giao cho dân hạn chế mưa của trời hoặc trời mưa thì dân phải chịu trách nhiệm.
“Giả sử nếu đó là ý kiến thật thì không bao giờ có tính khả thi, không trở thành hiện thực được. Tôi nghĩ đây không phải sáng kiến nghiêm túc mà mang tính khôi hài, và hài hước châm biếm đối với thành phố nhiều hơn.
Hơn nữa, về mặt pháp lý mà nói thì không ai lại giao trời cho dân cả. Nắng mưa là việc của trời, việc phòng chống lũ lụt, ngập úng là của chính quyền địa phương chứ anh không thể chuyển trách nhiệm đó cho dân. Nếu đại biểu HĐND cho đây là ý kiến nghiêm túc thì tôi cũng thấy lạ kỳ”, ông Tiến nhấn mạnh.
Trước đó, trong phiên thảo luận tai kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh vào chiều 13/7 đại biểu Phan Thị Hồng Xuân đã đề xuất ý tưởng chống ngập cho Thành phố.
“Theo góc nhìn của khoa học xã hội và nhân văn, chúng tôi thấy rằng có thể khai thác một số giá trị ở cộng đồng địa phương, để ứng dụng hiệu quả ở các đô thị. Hiện nay các nhà ở nông thôn thì trước sân thường có những cái lu to đựng nước với nhiều tính năng, trong đó có chứa nước mưa.
Qua kinh nghiệm các quốc gia cũng như trong khu vực, người ta sử dụng lu này để chứa nước mưa với mục đích giảm ngập. Nên chăng chúng ta cũng suy nghĩ về biện pháp đó để chính quyền thành phố - bên cạnh các giải pháp công trình, phi công trình thì có thể ứng dụng từ văn hóa bản địa, trang bị cho mỗi nhà dân hoặc một cộng đồng những cái lu to như vậy, và mỹ thuật chút xíu để bà con phấn khởi, để có thể hứng bớt lượng mưa, điều đó góp phần giảm ngập do mưa” – đại biểu Xuân đề xuất.
Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân
Đề xuất này của PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân ngay lập tức vấp phải phản ứng trái chiều của dư luận. Bà Xuân cho biết “Cái lu là tôi dung từ dân gian cho dễ hiểu, cũng vì thời gian tranh luận ngắn nên khó trình bày hết ý của mình” và cho hay trong một cuộc họp bà tham dự Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết họ đã áp dụng rất thành công tại Tokyo.
Theo bà Xuân ý kiến của bà “xuất phát từ cái tâm, dùng từ dân gian cho dễ hiểu chứ nếu có thời gian diễn đạt đúng ý sẽ khác”. Theo đó ý của bà là mỗi nhà có một bể chứa tùy diện tích để chống ngập tạm thời.