Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa tinmoitruong.com.vn
Ngày xưa, các cụ mắng con mắng cháu kém cỏi, lười học hành, ở nhà "đi theo đít con trâu", thì các cụ thường nói : - Cả đời mày không đi ra khỏi lũy tre làng !
Lũy tre làng là danh giới hành chính của một xóm, một làng hoặc một thôn nằm trong địa bàn một xã, ở trong lũy tre làng ấy có khoảng vài trăm hộ hoặc nhiều hơn thì một hai nghìn hộ dân sinh sống ở đó. Ngoài lũy tre làng là cánh đồng canh tác lúa, ngô, khoai, sắn của người dân thôn quê.
Những hình ảnh quen thuộc ở làng quê vào mùa vụ, chúng ta thường thấy các bác nông dân ra đồng, trên vai thường vác cái cày, đi trước là con trâu. Những buổi trưa hè, trời nắng nóng, trên đường đi làm về, tới đầu làng, các bác nông dân thường buộc con trâu vào búi tre, cho nó trú nắng, còn các bác xúm lại, ngồi bệt trên tàu lá chuối vừa cắt trên cây, rồi làm vài điếu thuốc lào. Sau mỗi buổi làm việc đồng áng về, được ngồi nghỉ ngơi hóng mát dưới lũy tre làng trưa hè thì thật là thú vị. Các cụ ví : "Trăm thằng hầu không bằng đầu ngọn gió". Gió đâu thổi về mà mát vậy, chỉ có ngồi ở lũy tre đầu làng mới mát đến như vậy!
Nhà tôi ở gần cánh đồng làng, chỉ cách một con đường nhỏ và lũy tre xanh của nhà tôi là ra tới đồng. Vì thế, tuổi thơ của tôi luôn được chứng kiến những hình ảnh ấy vào những ngày mùa ở quê tôi. Những ông thợ cày thủa nào vào nhà tôi uống nước, hút thuốc lào với ông nội tôi, đến giờ tôi vẫn nhớ. Mặc dù, tôi xa quê đã hơn hai mươi năm. Có những người còn sống, có những người đã khuất. Họ như vừa đi ra khỏi rìa làng như thể họ vừa vác cày ra đồng…
Lũy tre làng là nơi gắn bó với nhiều thế hệ tổ tiên của gia đình tôi, của người dân quê tôi. Ở nơi ấy gắn bó một phần kí ức tuổi thơ của tôi.
Thủa nhỏ, chúng tôi còn mang quang ghánh đi quét lá tre rụng về để đun nấu. Khi ấy, cha tôi là công chức, hàng tháng có tem phiếu mua chất đốt, than phân phối nhưng vẫn không đủ chất đốt dùng đun nấu cho gia đình, lúc nhàn rỗi, anh em chúng tôi thường đi quét lá tre quanh xóm, hoặc ra sân trường quét lá xà cừ về nấu…
Thế hệ cụ tôi, ông nội tôi đã từng sống trong lũy tre làng vì đất nước liên tục xảy ra chiến tranh do Pháp xâm lược. Đến thế hệ cha tôi cũng phải xa làng lên đường đi đánh Mỹ, đất nước hòa bình cha tôi chuyển sang công tác ở tỉnh, sau này về huyện… Đến thế hệ anh em tôi lớn lên, được cha mẹ nuôi ăn học, mỗi đứa lập nghiệp mỗi nơi, chẳng đứa nào chịu về làng. Mẹ tôi bực mà nói: Lũ chúng bay là quân bỏ làng!
Vâng, làng và lũy tre gắn bó với chúng tôi như vậy đó. Bao đời nay, lũy tre làng vẫn tồn tại như một biểu tượng của văn hóa làng, một thứ không thể thiếu trên mỗi làng quê nước Việt.
Khoảng hơn chục năm gần đây, tôi thường xuyên về thăm quê, nhưng hình ảnh lũy tre làng đang dần vắng bóng trên quê hương tôi. Vừa rồi, có dịp đưa cô bạn gái đi chụp ảnh cưới ở làng Việt cổ Đường Lâm, cô ta du học ở Pháp từ năm 2001, đến 2006 thì học xong, nay tìm được người bạn đời trăm năm, cô nhớ về làng quê Việt, nên cô ta chọn bối cảnh nông thôn, dân dã để chụp những bức hình kỉ niệm trong trang phục lễ cưới với người bạn đời của mình có tên là Ly – Ken, quốc tịch Pháp, chàng sống ở thành phố Lyon.
Cô ta muốn chụp một tấm hình bên lũy tre làng. Nhưng tìm quanh làng Việt cổ chẳng thấy có lũy tre nào, đất chật, người đông, trồng tre không còn hợp thời nữa, nên người ta chặt bỏ hết, để trồng thứ cây khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, và nét văn hóa thì đang mất dần theo thời gian. Còn cô bạn tôi, sau khi rời nước Việt sang Pháp sống với chồng mình, chắc nàng sẽ rất nhớ hình ảnh lũy tre làng, nơi tuổi thơ của cô gắn bó một thời. Ôi! Hình ảnh lũy tre làng mai sau chắc chỉ còn tìm thấy trong những thước phim tư liệu, trong thơ ca, và trong các trang văn…mà thôi!