Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Làng cổ Cự Đà, làng nghề truyền thống, được công nhận di tích quốc gia hiện giờ không còn là một Cự Đà của bao năm về trước. Việc đền bù ruộng đất khiến Cự Đà thoắt biến thành một phố mới trong làng.
Một góc Cự Đà. |
Xưa…
Làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội hơn 20km về phía Nam. Tên Cự Đà là tên một trong ba thôn bao gồm Khúc Thủy, Khe Tang, Cự Đà. Bên cạnh Đường Lâm, thì Cự Đà là một làng cổ thu hút rất đông khách du lịch về thăm quan, khám phá nét xưa của đồng bằng Bắc Bộ. Không chỉ độc đáo với nhiều ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo niên đại gần 200 năm, làng Cự Đà còn nức tiếng với hai nghề truyền thống: nghề làm tương nếp và làm miến dong.
Những ngày nắng, nghe dân làng kể, miến phơi vàng óng cả sân bãi, ngõ làng. Miến Cự Đà hấp dẫn người mua không chỉ ở vị ngon riêng, mà còn hớp hồn người ta ở cái nhìn đầu tiên. Miến dong, làm từ củ dong riềng nhưng không trắng, không xám mà vàng óng ả, vàng như lụa. Ngày nắng, cả làng tráng miến, phơi miến. Trên nóc nhà, dọc đường làng, ngoài sân bãi. Đứng từ trên cao mà nhìn xuống, ngỡ nhầm Cự Đà với bức tranh xinh đẹp có gam màu vàng ấn tượng.
…Còn nay…
Đi lòng vòng một hồi, hỏi thăm mấy người, tôi mới đến làng Cự Đà. Cứ đinh ninh sẽ nhìn thấy làng nào phơi đầy miến ngoài ngõ, ấy là Cự Đà. Nhưng đến nơi mới thấy, cả làng chỉ còn mấy nhà làm miến. Gặp ngày âm u, chỉ có 2 nhà phơi ít phên miến ra ngoài ngõ. Nhà làm tương lại càng ít, một bà trong làng chỉ cho tôi, “Còn hai nhà làm tương thôi, nhưng hôm nay chắc nghỉ” (!?)
Còn lại vài nhà làm miến, phơi miến |
Làng Cự Đà cũng như mọi làng quê khác của nông thôn Bắc Bộ Việt Nam. Đường làng nhỏ hẹp, nhà cửa san sát, ngõ nọ gần như song song ngõ kia, dài hun hút. Nhưng, có lẽ Cự Đà khác với nhiều làng quê truyền thống Việt Nam. Chưa bao giờ đi trên đường làng mà tôi phải thót tim nhiều đến thế. “Công nông tự chế” chậy ầm ầm suốt dọc đường làng. Xe chở gạch, ngói, vật liệu xây dựng, chạy như mắc cửi trên con đường vốn nhỏ hẹp. Đường làng chỗ chưa đổ bê tông, cơn mưa chiều qua còn để lại những vũng bùn đất nhầy nhụa. Bụi, khói mù mịt. Tôi giật mình nhận ra, nơi đây, người người xây nhà, nhà nhà đập nhà cũ, xây nhà mới.
Bà chủ quán nước chè đầu làng cho hay, từ khi có tiền đền bù đến nay, người ta xây nhà rất nhiều. Riêng Cự Đà có đến 200 nóc, đang đập nhà cũ, xây nhà mới. Nhiều người không tiếc đập cả những cột đá cổ xưa của mái nhà cũ, dựng lên những ngôi nhà tầng.
Đường làng tấp nập xe chở vật liệu xây nhà. |
Vật liệu chở qua lại ầm ĩ suốt từ sáng tới tối. Bụi khói mù trời. Nhà nào cũng xây ít nhất 3 tầng, nhiều là 5 tầng, có nhà xây hẳn biệt thự rộng. Sân đình cũng được tận dụng làm nơi chứa vật liệu xây dựng. Bà chủ quán nước nói, có đợt “cháy” thợ xây nhà, bà phải đồng ý tôn cao nền nhà bà trong gần 2 tháng, với mức 250.000 đồng/công. “Ai cũng làm thợ được, dù biết làm hay không, vì thiếu thợ mà”.
Những ngôi nhà cổ còn lại dấu ấn với vài bức tường cổ, cái cổng cổ xưa, còn đâu đã theo những cú nện của máy móc, nằm lại, nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng nguy nga tráng lệ. Nghĩ thật buồn lắm thay!
Miến làng Cự Đà có khi dăm năm nữa quay lại không còn bóng dáng. Người dân nói, xây dựng nhiều thế này, bụi, phơi miến ở đâu? Nhiều gia đình có tiền đền bù, đổ vào xây nhà cao cửa rộng, mua sắm đồ đạc, còn ai thiết tha với nghề xưa nữa?
Nhìn những bãi đất nham nhở rác rưởi sau một buổi họp chợ, nhìn những ngôi nhà cao tầng đang dần dần hiện lên sau màn khói bụi, tiếng ồn ầm ĩ, nhìn những thanh niên đầu nhuộm tóc xanh đỏ quây quanh những quán điện tử quanh làng, những dịch vụ nhà đất… mà không khỏi chạnh lòng cho một làng Cự Đà xưa.
Ngổn ngang trăm nỗi cho làng cổ Cự Đà-Hà Nội.
Nguyễn Thị Thúy Hằng