(Tin Môi Trường) - Chú bò biển quý hiếm lạc mẹ được giải cứu ở Thái Lan đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ, được gọi là "bé cưng quốc dân" và là biểu tượng giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn.
Hình ảnh chú bò biển mồ côi quấn quýt con người thu hút sự chú ý ở Thái Lan - Ảnh: GUARDIAN
Marium, tên của chú bò biển, có nghĩa là "quý cô biển cả", được tìm thấy khi lang thang một mình ở một bãi biển ở tỉnh thuộc tỉnh Krabi. Sau khi xác định đây là một chú bò biển mồ côi, các nhà nghiên cứu hàng hải đã quyết định giải cứu con vật.
Những hình ảnh chụp chú bò biển 5 tháng tuổi quấn quýt trong vòng tay các nhà nghiên cứu lập tức được lan truyền trên mạng. Các đoạn ghi hình chú bò biển đều nhận được sự quan tâm lớn. Cơ quan Nguồn lực bờ biển và hàng hải Thái Lan (DMCR) gọi Marium là "bé cưng quốc dân".
"Chú bò biển đang là tâm điểm chú ý. Nó là một đứa bé, mồ côi và quý hiếm. Khi đói, nó sẽ đưa tay vào miệng và mút. Nếu hơi đói, nó sẽ mút một tay và khi rất đói nó sẽ mút cả hai tay", Nantarika Chansue, giám đốc bộ phận chăm sóc động vật biển của Đại học Chulalongkorn, nói trên tờ Guardian.
Hiện bò biển được xếp vào loài cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng. Một con bò biển có thể dài đến 3m, nặng gần 500kg và sống đến 70 năm. Tại Thái Lan, có khoảng 200 con bò biển sống trong vùng biển của nước này.
Bà Nantarika đã đưa ra lời kêu gọi quyên tiền chăm sóc Marium lên mạng và lập tức nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Quỹ ngừng nhận tiền chỉ sau hai ngày sau khi nhận được 1,7 triệu baht, khoảng 55.600 USD, đủ để chăm sóc Marium trong một năm.
"Marium thật đáng yêu. Nó trở thành bé cưng quốc gia và giúp nâng cao nhận thức công chúng về bảo tồn và tình cảnh của loài bò biển", Jatuporn Burutpat, tổng giám đốc DMCR, nói.
Marium thường bơi theo tàu bè vì tưởng là mẹ - Ảnh: GUARDIAN
Sau khi giải cứu Marium, các nhà nghiên cứu đang tìm cách bảo vệ chú bò biển nhỏ và bàn tính việc lập một khu vực riêng cho nó để tránh việc bị tàu bè va phải. Marium thường bơi theo các tàu bè vì nhầm tưởng là mẹ và sẽ rất nguy hiểm nếu nó bơi sát một chiếc tàu có động cơ.
Họ cũng tập cho Marium sống độc lập trong môi trường tự nhiên. "Nó không biết khi nào nên lặn xuống vùng biển sâu", bà Nantarika nói. Theo đó, Marium sẽ được nhốt vào khu vực riêng vào buổi tối và thả ra vào ban ngày.