(Tin Môi Trường) - Cơ quan dự báo Việt Nam và quốc tế đều nhận định bão sẽ vào đất liền khoảng 4h sáng mai, sức gió mạnh nhất 75 km/giờ, cấp 8.
Mạnh lên thành bão tối qua, bão Mun đi nhanh hơn (15 km/h), giữ hướng tây tây bắc. 7h hôm nay, tâm bão cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 220 km, cách đất liền tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 340 km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất 75 km/giờ (cấp 8).
Vị trí và dự báo đường đi của bão Mun. Nguồn: NCHMF.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, 7h ngày 4/7, tâm bão ở ngay trên bờ biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình với sức gió không đổi. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.
Hiện ba đài khí tượng quốc tế phát bản tin về bão Mun (Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản). Các đài dự báo bão hướng tới khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, đổ bộ khoảng 4h ngày 4/7, sức gió 75 km/giờ, cấp 8.
Vịnh Bắc Bộ (gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) từ đêm 3/7 gió mạnh dần lên cấp 7-8, biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình từ đêm nay có gió mạnh cấp 5-6, từ gần sáng đến trưa mai gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
Bão gây mưa to từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, một số tỉnh miền núi như Hòa Bình, Sơn La và đồng bằng Bắc Bộ. Hà Nội từ chiều tối 3/7 có mưa, mưa to tập trung vào đêm nay và sáng mai.
Dự báo hướng đi và cường độ của bão Mun. ảnh: Văn Lộc.
Các tỉnh chuẩn bị ứng phó
Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức đưa lồng bè vào vịnh neo đậu, dự kiến 19h ngày 3/7 hoàn thành di dời dân khu vực lồng bè, triển khai phương án chống ngập úng đô thị.
Thành phố Hải Phòng cũng đưa tàu thuyền vào hết bờ, đưa lồng bè vào khu neo đậu. Tỉnh Thái Bình dự kiến cấm biển trước 8h hôm nay, di dời lồng bè, người dân trước 16h cùng ngày. Nam Định dự kiến cấm biển từ trưa 3/7.
Theo Bộ tư lệnh Biên phòng, hiện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) còn hơn 1.600 du khách, gồm cả người nước ngoài. Ban chỉ đạo trung ương yêu cầu tỉnh đưa những du khách vào bờ trong ngày 3/7.
Phó ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Mun không mạnh nhưng là cơn bão đầu mùa, lại đổ bộ vào khu vực có các hoạt động kinh tế biển sôi động nên cần chuẩn bị chu đáo phương án ứng phó.
Ông Cường đặc biệt lưu ý việc hướng dẫn tàu vận tải vãng lai vào nơi an toàn vì mấy mùa bão gần đây tàu này dễ bị thiệt hại nhất; kêu gọi tàu ven bờ, tàu du lịch vào bờ; sơ tán người ở các lồng bè, chòi canh ven biển, nhất là khách du lịch.
Mun là cơn bão thứ hai ở biển Đông trong năm nay. Cơn bão thứ nhất xuất hiện ngày 1/1, thực ra là vẫn rơi rớt của năm 2018. So với quy luật, năm nay bão đến muộn hơn khoảng một tháng.