(Tin Môi Trường) - Các nhà khoa học vừa phát hiện một loài giun thuyền có thói quen tiêu hóa kỳ lạ khi ăn nhiều đá và thải cát ra môi trường.
Điều này khác với những loài giun thuyền được biết đến trước đây, trong đó có loài nổi tiếng với tài "ăn" gỗ.
Phần lớn các loài giun thuyền có màu trắng đục, thân hình nhỏ, dài 2-5cm, có loài cá biệt dài đến 60cm, đường kính thân lên đến 1cm.
Giun thuyền thường sống trong một lớp vỏ cứng, xù xì, chúng hay bám vào các vách đá, các đê chắn sóng hoặc các vỏ tàu thuyền thành những mảng dày đặc.
Đó là lý do nhiều tàu bè trở về sau khi đánh bắt thường phải cạo sạch giun thuyền bám vào vỏ tàu để tránh hư hại.
Một số loài giun thuyền còn có khả năng "gặm" nát những miếng gỗ.
Tuy nhiên, tài phá hoại của chúng không thể so bằng loài giun thuyền mới được phát hiện (tên khoa học: Lithoredo abatanica) khi có thể "xé" những khối đá và cho vào cơ thể.
Loài giun thuyền mới phát hiện này được xếp vào ngành động vật thân mềm - Ảnh: Marvin A. Altamia
Theo The New York Times, loài giun thuyền này thường được tìm thấy nhiều tại các đoạn sông ở Philippines, chủ yếu sống ở đáy sông hoặc trú ẩn trong các tảng đá ven bờ.
Cơ thể của chúng lớn hơn những "anh em" giun thuyền khác, 2 đầu vẫn có 2 chiếc vòi hữu hiệu, nhưng lại không có lớp vỏ bảo vệ.
Theo các nhà khoa học, sở dĩ chúng phá được đá là nhờ một loại vi khuẩn cộng sinh sống trong mang của chúng. Vi khuẩn này tiết ra một loại enzym làm mềm đá và giúp các vòi dễ dàng xuyên thủng.
Sau khi phân tích giải phẫu một số con giun thuyền, các nhà khoa học phát hiện một loại vật chất trong hệ tiêu hóa có cấu tạo giống như các lớp đá nơi chúng sinh sống. Điều này giúp các nhà khoa học tin rằng loài giun thuyền mới này thực sự đã "ăn" đá.
Giun thuyền ẩn nấp trong một tảng đá bên sông - Ảnh: Marvin A. Altamia
Chúng "ăn" đá để làm gì? Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Tuy nhiên, trong quá trình giải phẫu, nhóm nghiên cứu nhận thấy chúng không có ruột già, đồng thời chiều dài đường ruột cũng ngắn hơn những "anh em" khác.
Chính vì thế, giả thuyết hợp lý nhất là loài giun thuyền này chủ động ăn đá vào cơ thể và lợi dụng sự chuyển động của các hạt đá trong dạ dày để "nghiền" nhỏ thức ăn, giúp thuận tiện hơn cho những giai đoạn tiêu hóa kế tiếp, nhất là với đường ruột hạn chế.
Phương pháp "ăn" đá để dễ tiêu hóa này cũng được một số loài chim áp dụng.
Cũng có giả thuyết cho rằng có thể cơ thể chúng thiếu một số chất nào đó có trong thành phần của những loại đá này.
Cơ thể loài giun thuyền mới này có nhiều đá nhưng chưa rõ để làm gì - Ảnh: Marvin A. Altamia
Hiện tại, các nhà khoa học đang nghiên cứu bộ nhiễm sắc thể của loài vi khuẩn cộng sinh trong mang của giun thuyền này với hi vọng có thêm những manh mối khác.
"Chúng tôi có thể khẳng định rằng vi khuẩn này khác hoàn toàn vi khuẩn cộng sinh với đa số những loài giun thuyền khác" - Daniel Distel từ ĐH Northeastern, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Một tảng đá bị giun thuyền đục khoét - Ảnh: Marvin A. Altamia
Trong khi đó, tạp chí khoa học Science tỏ ra lo sợ rằng sự lan rộng của loài giun thuyền mới này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sông ngòi và các hoạt động nông nghiệp của con người.
Những tảng đá trên sông mất dần trong khi đáy sông thêm nhiều cát có thể làm thay đổi dòng chảy của con sông, gây ra các hiện tượng sạt lở hoặc bồi lấp không mong muốn.
"Tuy nhiên, những lỗ trống trên đá mà loài vật này để lại cũng tạo nên những nơi trú ẩn mới cho các loài khác như cua, ốc hay rắn…" - trang này viết.