(Tin Môi Trường) - Ngày 26/6, tại thị xã Sơn Tây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cùng các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố tổ chức lễ phát động và ra quân bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” năm 2019. Đây là hoạt động nhằm phát huy vai trò toàn dân, trong đó có vai trò của các tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ảnh: TL
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung đã kêu gọi các vị chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo hãy tùy vào hoàn cảnh, điều kiện của mình, phát huy tính đặc thù của mỗi tôn giáo, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học; tham gia tích cực các hoạt động xây dựng môi trường “xanh - sạch - đẹp” với nhiều hành động cụ thể như: Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ Nhật xanh, ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni-lông”; tắt đèn và thiết bị điện tử không sử dụng...
Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho thấy, sau 4 năm triển khai kế hoạch phối hợp với các tổ chức tôn giáo cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều mô hình rất đáng biểu dương. Cụ thể, Thành hội Phật giáo tổ chức tuyên truyền các Phật tử và nhân dân tích cực hưởng ứng chương trình hành động bảo vệ môi trường, lồng ghép phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các khóa an cư, tu mùa hè; các buổi chính khóa và chương trình ngoại khóa của các tăng, ni sinh tại các trường đào tạo, để vận động bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình “Chùa xanh” bảo vệ môi trường, tổ chức các nhóm Phật tử xanh, nhất là hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự…
Đạo Cao Đài vận động toàn phái đạo trồng cây xanh, cây cảnh để tạo cảnh quan môi trường; làm vệ sinh, dọn dẹp cỏ dại đảm bảo môi trường xanh, sạch đẹp; bài trừ các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, không vứt xả rác thải hay đốt giấy vàng mã trong tất cả các hình thức nghi lễ cúng bái; khuyến khích ăn chay và làm công việc từ thiện thể hiện lòng từ bi, bác ái với cộng đồng, xã hội; đưa ra nội quy thực hiện nếp sống văn minh cơ sở tôn giáo… Hằng tháng, các tín đồ dành một ngày cuối tuần tham gia hoạt động công quả như dọn dẹp vệ sinh rác và trồng cây xanh, cây cảnh, nấu bún chay làm từ thiện vào ngày 30 âm lịch của tháng, hưởng ứng phong trào chung tay bảo vệ môi trường.
Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kito phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền cho tín đồ, tín hữu về chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia các hoạt động về bảo vệ môi trường tại địa phương. Bên cạnh đó, tham gia các hoạt động từ thiện, bác ái như: tặng 450 xe đẩy cho bệnh nhân tàn tật, tham gia cứu trợ khẩn cấp do hạn hán, xây dựng các bể chứa nước mưa…
Để tiếp tục phát huy những kết quả trên, đồng thời hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường năm 2019”, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị các tôn giáo nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông, tuyên truyền về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với từng tôn giáo, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành vi theo hướng tích cực trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, vận động, kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp các nguồn lực vật chất và tinh thần của các tổ chức, tín đồ các tôn giáo tham gia thực hiện những hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương, các tổ chức tôn giáo nhất là các chức sắc, chức việc và đông đảo tín đồ cùng với nhân dân ở các địa phương tiếp tục phối hợp hướng dẫn, triển khai thực hiện các mô hình cụ thể ở các tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ các tôn giáo trong việc vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và người dân ở cộng đồng; tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan nhà nước, đơn vị và hộ gia đình.