(Tin Môi Trường) - Việc Alibaba ngăn cản cưỡng chế, tập trung phản đối trước cơ quan công quyền và livestream trên Facebook đòi khủng bố chính quyền đã cấu thành các tội "Làm nhục người khác", "Vu khống" và "Khủng bố"
Ngày 20-6, Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết đã gia hạn tạm giữ hình sự lần 2 đối với Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trần Quốc Tĩnh (cùng SN 1995) để thu thập thêm tài liệu chứng cứ làm cơ sở có thể khởi tố, điều tra về hành vi "Cố ý hủy hoại tài sản". Cơ quan điều tra cũng đang củng cố thêm chứng cứ để xử lý một số người liên quan.
Trước đó, ngày 13-6, UBND thị xã Phú Mỹ phối hợp với các phường, xã đồng loạt tổ chức lực lượng thực hiện việc cưỡng chế, buộc tháo dỡ đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Lúc này, nhóm người mặc áo ghi địa ốc Alibaba đã kéo đến, đứng ngoài trụ sở UBND thị xã Phú Mỹ la hét vì cho rằng việc cưỡng chế không đúng quy định.
Nhân viên Công ty Alibaba đập phá xe cuốc trong buổi cưỡng chế - Ảnh: NGỌC GIANG
Tại xã Tóc Tiên, khi lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ thì hàng trăm người mặc áo ghi Tập đoàn Địa ốc Alibaba đến bao vây, ngăn cản. Tú Trinh đã lớn tiếng la lối, chỉ đạo một nhóm người đập phá xe cuốc. Quốc Tĩnh là người trực tiếp nhiều lần dùng gạch đập xe cuốc gây hư hỏng.
Sau khi Trinh và Tĩnh bị tạm giữ, ông Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) cùng hàng chục người cũng kéo đến cổng trụ sở Công an thị xã Phú Mỹ liên tục hô hào đòi thả 2 nhân viên của công ty đang bị tạm giữ do có hành vi chống đối đoàn cưỡng chế.
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng những hành vi tụ tập đông người nhằm gây áp lực lên chính quyền và cán bộ thực thi công vụ, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Ngoài ra, việc ông Luyện livestream trực tiếp trên mạng xã hội thì mức độ xúc phạm danh dự, nhân phẩm vô cùng nghiêm trọng hơn. Do đó, các hành vi trên có dấu hiệu của phạm tội "Làm nhục người khác", có thể bị phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù.
Cũng theo luật sư Toàn, với những dự án chưa được cấp phép, dự án "ma" mà Alibaba đang núp bóng các hộ dân để quảng cáo và giữ đặt chỗ là không đúng quy định; việc nhân viên Alibaba ngang nhiên đến khu đất của một hộ dân chặn xe, chống đối, hủy hoại tài sản của lực lượng cưỡng chế là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Việc các cơ quan tiến hành tố tụng tạm giữ 2 đối tượng để điều tra là thực hiện theo đúng các bước quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Người đứng đầu Alibaba cho rằng những gì mình làm là đúng, việc cưỡng chế và bắt giữ người của các cơ quan chức năng là sai trái đã có dấu hiệu của tội "Vu khống" được quy định điều 156 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có thể bị phạt tù lên đến 3 năm (!).
Bình luận thêm về trường hợp này, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết việc lãnh đạo và các nhân viên của Alibaba tổ chức bao vây, ngăn cản, chống đối, thậm chí còn đập phá phương tiện, tấn công lực lượng cưỡng chế; sau đó còn kéo người đến nhà tạm giữ yêu cầu thả người đã khiến dư luận rất bức xúc. Đặc biệt, việc ông Luyện livestream trên trang Facebook một cách chính thức để đưa ra những lời lẽ xuyên tạc, đòi "khủng bố" chính quyền và cán bộ đã đẩy vụ việc đi quá đà.
Với hàng loạt hành vi nguy hiểm trên, có cơ sở rõ ràng cho thấy việc "khủng bố" mà ông Luyện livestream trên Facebook có khả năng sẽ diễn ra. Do vậy, cơ quan chức năng cần điều tra, xem xét hành vi đe dọa này của các cá nhân thuộc Alibaba có đủ yếu tố cấu thành tội "Khủng bố" hay không theo điều 299 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Nếu cơ quan điều tra chứng minh được hành vi của ông Luyện và các cá nhân khác có liên quan đủ yếu tố cấu thành tội "Khủng bố" thì tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà người thực hiện có thể chịu hình phạt tù từ 10 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.