(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 19/6/2019, Tổ chức Động vật Châu Á tiến hành cứu hộ thành công một cá thể gấu ngựa tại Thành phố Lạng Sơn. Đây là một cuộc cứu hộ đặc biệt nhanh chóng, bởi từ lúc Tổ chức nhận được thông tin tới lúc giải cứu chỉ trong vòng 4 ngày làm việc. Chủ nuôi gấu tự nguyện chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam vì không có điều kiện chăm sóc.
Theo thông tin của lực lượng chức năng, chủ gấu hiện tại không có khả năng nuôi và chăm sóc gấu, tình cảnh của gấu cũng rất khẩn cấp bởi thiếu sự chăm sóc tối thiểu. Tổ chức quyết định cứu hộ cá thể gấu này càng nhanh càng tốt, ngay sau khi nắm được thông tin, bởi hiện gấu đang bị nhốt ngoài trời trong một chuồng kim loại giữa một công trường xây dựng, chỉ có một mái che bạt mỏng trên nắp lồng giữa thời tiết mùa hè nắng nóng. Tổ chức Động vật Châu Á đặt tên cho cá thể gấu này là Solo (cô đơn một mình).
Toàn cảnh nơi công trường có gấu cứu hộ tại Lạng Sơn
Nhận định ban đầu của bác sỹ thú y Shaun Thomson của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, người trực tiếp có mặt quan sát gấu cho biết: cá thể gấu ngựa này là giới tính cái, nặng ước chừng từ 80 - 90 kg. Đây chắc chắn là một cá thể gấu trưởng thành, nhưng gầy gò, nhỏ bé hơn so với mức trung bình rất nhiều. Cá thể gấu này có một cái răng nanh bị mọc lệch, và chắc chắn phải can thiệp y khoa bởi nó gây đau đớn cho gấu. Đại diện chủ nhà nói rằng họ nuôi gấu đã 10 năm nay với mục đích làm cảnh, không trích hút mật, tuy nhiên, chỉ khi siêu âm ổ bụng của gấu các bác sỹ mới có thể chắc chắn về tình trạng mà gấu đã từng trải qua.
Các nhân viên cứu hộ của Tổ chức đã nhanh chóng quyết định phương án ghép hai lồng, chuồng nuôi hiện tại và lồng vận chuyển và dụ gấu sang lồng bằng đồ ăn. Cách cứu hộ này có ưu điểm là nhanh chóng, gấu sẽ bớt mệt mỏi vì thời tiết. Và khi trở về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, với điều kiện vật chất và cơ sở tốt nhất, các bác sỹ sẽ tiến hành thăm khám sức khoẻ toàn diện, đánh giá tình trạng thể chất, tinh thần của gấu sau.
Nhận định tại hiện trường cứu hộ, Tiến sỹ Tuấn Bendixsen – Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á cho biết: “Việc cứu hộ bằng cách đưa gấu ghép từ lồng hiện tại sang lồng vận chuyển hôm nay diễn ra tương đối suôn sẻ, một phần bởi chúng tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ địa phương. Và con gấu này đã được dặn cho nhịn đói từ tối qua, phòng trường hợp chúng tôi phải gây mê, nên khi dung thức ăn ngon và lạ thì gấu hợp tác rất nhanh. So với hơn 180 chuyến cứu hộ gấu trước đây chúng tôi đã thực hiện ở Việt Nam, thì đây có thể coi là cứu hộ thuận lợi, phần lớn là do nhân viên đã có sự chuẩn bị trước chu đáo và giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên tác nghiệp giữa công trường đang xây dựng ngổn ngang cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà chúng tôi cũng khó để bao quát hết được.”
Tiến sỹ Tuấn cũng cho biết thêm, sau khi Tổ chức Động vật Châu Á cứu hộ gấu Solo, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn chỉ còn 3 cá thể gấu nuôi nhốt.
Từ nay trở đi, gấu Solo sẽ luôn được sống trong sự chăm sóc tốt nhất tại Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam – Trung tâm cứu hộ hiện đại và đạt tiêu chuẩn quốc tế duy nhất tại Việt Nam về chăm sóc động vật hoang dã sau cứu hộ. Ngay khi đưa về Tam Đảo, gấu sẽ trải qua 45 ngày cách ly trước khi được ghép nhóm và hòa nhập tại các khu bán tự nhiên. Hiện có 182 cá thể gấu đang được chăm sóc y tế, dinh dưỡng và sống trong các khu bán tự nhiên của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.
Đại diện gia đình có bày tỏ nguyện vọng đánh dấu gấu để nhận biết khi sau này có điều kiện tới thăm gấu. Tổ chức luôn sẵn lòng đón tiếp những chủ gấu tới thăm, và gia đình có thể yên tâm hoàn toàn khi gấu được chuyển giao tới Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Để nhận biết, ngoài chip điện tử, gấu ở Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam đều có hồ sơ đặc biệt, ghi chú từng chế độ dinh dưỡng, khám sức khoẻ, diễn biến và thay đổi của gấu. Vì thế nên bất cứ cá thể gấu nào trong Trung tâm cũng đều được các chuyên gia và người chăm sóc nhận biết và chăm sóc chuyên biệt.
Từ năm 2007 tới nay, Tổ chức Động vật Châu Á đã cứu hộ được 205 cá thể gấu ngựa và gấu chó (cả gấu con và gấu sống lâu năm trong các chuồng cũi) tại nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Riêng đầu năm 2019 tới nay, Tổ chức Động vật Châu Á đã thực hiện 3 chuyến cứu hộ, đưa 4 cá thể gấu từ Hà Nội, và Lạng Sơn về chăm sóc và phục hồi tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.
Tổ chức Động vật Châu Á đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam hướng tới chấm dứt 100% số trại gấu còn lại trên địa bàn cả nước và đưa được thêm khoảng 800 cá thể gấu nữa về các cơ sở cứu hộ, lộ trình từ 2017 tới 2022. Thống kê mới nhất cho thấy cả nước còn khoảng hơn 600 cá thể gấu nuôi trong các trang trại, trong khi gấu ngoài tự nhiên chỉ còn vài trăm cá thể. Cuối năm 2005, Chính phủ Việt Nam tiến hành lập hồ sơ và quản lý gấu trên cả nước nhằm mục đích quản lý số lượng gấu đang nuôi nhốt, chấm dứt tình trạng săn bắt gấu từ tự nhiên về nuôi.) Phần lớn gấu ngựa nuôi nhốt trong các trang trại vì mục đích thương mại, và có lẽ khoảnh khắc duy nhất mà những cá thể này được ra khỏi bốn bức sắt xung quanh là khi bị gây mê để trích hút mật.
Đoàn cứu hộ sẽ di chuyển hơn 200 km từ Thành phố Lạng Sơn về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, dự kiến, sẽ tới nơi vào tối cùng ngày.