(Tin Môi Trường) - Bài học của Bình Định và các tỉnh thành ven biển cần được xem là bài học chung cho cả việc ứng xử với không gian ven hồ ở Hà Nội, Đà Lạt hay không gian ven sông ở TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ..
Dành không gian biển cho cộng đồng: Bình Định dời 3 khách sạn lớn
Dời ba khách sạn lớn để dành không gian biển cho cộng đồng, Bình Định quyết làm một điều mà nhiều nơi không muốn làm vì vướng lợi ích nhùng nhằng từ nhiều phía.
Nhưng bài học của Bình Định và các tỉnh thành ven biển cần được xem là bài học chung cho cả việc ứng xử với không gian ven hồ ở Hà Nội, Đà Lạt hay không gian ven sông ở TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ...
Với đô thị ven biển, nhà đầu tư luôn săn đất vàng, kim cương để xây khu nghỉ mát cao cấp. Sở hữu được đất "view" biển sẽ là cỗ máy đẻ ra tiền cho nhà đầu tư.
Còn chính quyền địa phương luôn xem bãi biển hiếm hoi trong thành phố là mật ngọt để thu hút đầu tư. Không ít bộ, ngành trung ương cũng vận động cho đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp "sân sau" chiếm giữ đất ven biển.
Vì thế, việc lấn biển, sửa đổi quy hoạch ven biển, lấy công viên biển làm dự án du lịch diễn ra ở nhiều nơi.
Tỉnh này viện cớ đó là dự án tạo ra cú hích. Thành phố kia biện minh đó là công trình tạo nên điểm nhấn. Cứ thế, không gian ven biển nơi dành cho mọi người thu hẹp lại, mất dần đi.
Khi quyền lợi cộng đồng bị xâm phạm thô bạo, người dân không khỏi nghi ngờ rằng có những "cú bắt tay" lũng đoạn quy hoạch, biến không gian công cộng thành nơi tạo ra lợi ích cho một số người, mà người có trách nhiệm của chính quyền không thể vô can.
Một công trình xây dựng có tuổi đời cả trăm năm. Thời hạn giao đất cho doanh nghiệp cũng đến 50 năm, nếu giao cho cá nhân là "lâu dài".
Như vậy, người dân vĩnh viễn mất đi những không gian mà lẽ ra họ được thụ hưởng.
Rồi đây, đời con cháu sẽ kể cho nhau rằng không gian công cộng tuyệt đẹp của địa phương A đã trở thành sở hữu của nhóm người bởi các quyết định của ông B, bà C trong chính quyền nhiệm kỳ Z...
Sai phải sửa. Không gian biển được thu hồi sẽ tạo ra giá trị mới cho cảnh quan môi trường, tạo ra tiềm năng phát triển mới cho du lịch, thu hút du khách bền vững hơn.
Trước Bình Định, đã có địa phương cũng từng đưa ra chủ trương này nhưng không thực hiện được, bởi sự quyết tâm của chính quyền thôi chưa đủ mà đòi hỏi phải có chính sách hợp lý đảm bảo được lợi ích cho doanh nghiệp.
Thu hồi đất bãi biển có khó không? Rất khó, bởi không dễ dàng gì thuyết phục các nhà đầu tư rời bỏ những mảnh đất vàng đang ăn nên làm ra, mà trước đó họ mất rất nhiều tiền bạc và công sức mới có được. Khó bởi đây là hậu quả những sai lầm của chính quyền.
Thu hồi bãi biển, trước hết là một cuộc sửa sai của chính quyền địa phương, mà sửa sai muốn thành công đều phải kiên quyết và cả chấp nhận "đau đớn".
Vì thế, chuyện thu hồi vài ba khách sạn chỉ mới là cách sửa sai tình thế cho những sai lầm bởi tầm nhìn hạn hẹp trong quy hoạch trước kia.
Cách sửa sai căn bản hơn là phải rà soát quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch những dự án xâm lấn không gian cộng đồng và chỉnh sửa quy hoạch theo hướng dành cho không gian cộng đồng nhiều hơn.
Chỉ có vậy mới chấm dứt được những hệ lụy của sai lầm trước đó và gìn giữ không gian cộng đồng cho muôn đời sau.