Nhiều hộ dân ở xã Xuân Trạch phản ánh, một bầy khỉ khoảng 30-40 con từ núi đá vôi xuống tấn công các rẫy lạc, ngô của người dân khiến nhiều hộ mất trắng.
Theo mô tả của người dân thì bầy khỉ này là khỉ mặt đỏ, trông rất dữ dằn. Chúng đi theo tốp ra các vùng Phốôc Tre, Khe Trạ, Hung Lầm, Chà Nòi nhổ bắp, nhổ lạc để ăn.
Khu vực Phốôc Tre thường xuyên bị khỉ mặt đỏ phá trộm hoa màu (Ảnh: SGTT) |
Hàng chục sào lạc ở các vùng trên mỗi ngày bị 30-40 con khỉ, có ngày đến cả trăm con, nhổ ăn ngay tại chỗ. Có nhiều con còn lấy dây rừng quấn quanh thân, giắt các búi lạc, ngô vào đó rồi leo lên núi.
Khi người dân lao vào đuổi đàn khỉ để cứu hoa màu, đàn khỉ liền tập hợp các tốp nhỏ thành đàn lớn bao vây lấy người, hò hét rất dữ, khiến nhiều người bất lực bỏ chạy vì sợ chúng tấn công.
Trước đó, vào năm 2010, anh Đinh Rầu (một nông dân ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch) trong lúc đi rẫy đã bị một bầy khỉ mặt đỏ khoảng hơn 30 con tấn công.
Hôm đó, anh Rầu đi thăm ruộng ngô ở cách nhà chừng 1km cùng 2 con chó nhà thì phát hiện một đàn khỉ mặt đỏ bứt dây bìm bịp quấn nhiều vòng quanh người của chúng và bẻ bắp nhét vào những vòng dây bìm bịp.
Phát hiện có người, đàn khỉ chạy về một hang đá gần đó. Anh Rầu cùng 2 con chó liền đuổi theo vào hang.
Thấy bắp vứt ngổn ngang, anh Rầu nhặt vào bao để mang về. Nhưng khi anh Rầu vừa nhặt được một mớ, đàn khỉ xuất hiện và xông vào tấn công 2 con chó khiến chúng bỏ chạy. Sau đó, đàn khỉ tiếp tục tấn công anh Rầu khiến anh chảy máu mặt, phải bỏ lại số bắp trong hang thì đàn khỉ mới cho anh đi.
Khỉ mặt đỏ (tên khoa học là Macaca arctoides) là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm II B, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và được thống kê trong Sách đỏ của IUCN 1997.
Thu Hòa (Tổng hợp)