(Tin Môi Trường) - Việt Nam bắt buộc phải chọn giữa sức khoẻ cộng đồng và ngành rượu bia. Người dân có quyền đòi hỏi trách nhiệm trong từng lá phiếu của mỗi đại biểu Quốc hội.
Ngày 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp về dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia mới sửa thì chỉ một ngày trước đó ở TP Quy Nhơn (Bình Định), một tài xế xe Lexus đạp nhầm chân ga, tông thẳng vào đội đưa tang làm bốn người chết, sáu người bị thương nặng.
Ngày 19/4, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức họp góp ý dự thảo mới sửa thì chỉ ba ngày sau, một chiếc “xe điên” gây tai nạn liên hoàn và tông chết nữ công nhân vệ sinh trên đường Láng.
Trong hai vụ trên, tất cả những tài xế đều say xỉn. Trong vụ tai nạn ở đường Láng, tài xế say đến độ “nửa ngày chưa tỉnh” để khai báo.
Đó chỉ là 2 ví dụ trong số rất nhiều vụ tai nạn chết người do tài xế say xỉn gây nên, xảy ra với mật độ hết sức thường xuyên và dày đặc. Chúng ta cứ mãi nhắc đi nhắc lại những con số thống kê mức tiêu thụ rượu bia “hàng đầu” khu vực và thế giới ở Việt Nam đi kèm với những hệ quả khủng khiếp về tai nạn giao thông, bạo lực gia đình hay bệnh tật.
Đây là lúc để hành động.
Càng được chỉnh sửa, dự luật càng xa dần khoa học y tế dự phòng, y tế công cộng, và càng gần mục tiêu “bảo vệ” lợi ích doanh nghiệp.
Từ phiên họp tháng 11/2018, có cơ sở để hy vọng rằng các đại biểu Quốc hội đã thực thi tốt trách nhiệm đại biểu của dân, ủng hộ dự luật phòng chống tác hại của rượu bia, và góp ý để hoàn thiện dự luật ở mức tốt nhất.
Tuy nhiên, vào lúc đó tôi đã có cảnh báo: Cho tới lúc kỳ họp thông qua dự luật vào tháng 5/2019 là tiến trình chỉnh sửa ra phiên bản cuối cùng, rất nhiều thách thức sẽ đến, bởi ngành công nghiệp rượu bia không dễ dàng chấp nhận từ bỏ lợi ích của mình.
Có lý do để cho thấy mối lo này đang trở thành hiện thực: Cho tới lúc này, dự luật đang ngày càng bị làm yếu đi.
ĐẢM BẢO "NGÔI VƯƠNG" VỀ TIÊU THỤ RƯỢU BIA
Tháng 8/2018, Bộ Y tế trình dự thảo lần thứ 4 của dự luật lên Thủ tướng, trong đó có quy định cấm doanh nghiệp rượu bia quảng cáo, tài trợ và cấm bán rượu bia trên Internet.
Theo đó, dự thảo quy định rượu, bia dưới 5,5 độ cồn không được quảng cáo ngoài trời, trên phương tiện giao thông công cộng, trong các chương trình văn hóa, thể thao, sân khấu, điện ảnh, trang thông tin điện tử. Rượu, bia 5,5-15 độ cồn chỉ được quảng cáo trên phát thanh, truyền hình từ 22h-6h sáng.
Điểm này đã khiến các hãng sản xuất đồ có cồn ở Việt Nam lo lắng vì nguy cơ sụt giảm doanh thu. Đại diện một hãng bia lập tức lên tiếng nên loại bỏ quy định cấm quảng cáo trong khung 18h-21h.
Đến kỳ họp Quốc hội lần này, một trong những quy định bị đẩy ra khỏi dự luật là cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet.
Theo một số đại biểu Quốc hội, trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, việc cấm bán đồ uống có cồn từ 15 độ trở lên trên Internet là “đi ngược xu thế” và “không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”.
Trên thực tế, Na Uy hay Indonesia đã cấm hoàn toàn quảng cáo rượu bia trên mọi hình thức dù thông qua truyền hình hay Internet. Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc cấm quảng cáo đồ uống có cồn trên truyền hình trước 21h.
Theo nhiều nghiên cứu, quảng cáo rượu bia dù trên Internet hay truyền hình đều kích thích tiêu thụ, đặc biệt ở đối tượng thanh thiếu niên. Quảng cáo kèm theo những khuyến mãi hấp dẫn sẽ làm tăng tiêu thụ ở đối tượng có nguồn tài chính eo hẹp này.
Cũng có đại biểu Quốc hội cho rằng việc coi ngành sản xuất rượu bia như "tội đồ" là không công bằng với một ngành sản xuất đang có đóng góp hàng chục nghìn tỷ mỗi năm.
Năm 2017, ngành bia rượu đóng góp 50.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1, 7% nền kinh tế Việt Nam.
Với việc các chế định xương sống về rượu bia bị đẩy ra ngoài, luật có khả năng lại trở thành công cụ bảo đảm "ngôi vương" tiêu thụ rượu bia của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phí tổn kinh tế do rượu bia “lấy đi” từ 1,3% đến 3,3% GDP của mỗi quốc gia. Trong đó, chi phí gián tiếp thường gấp đôi chi phí trực tiếp.
Bộ Y tế từng tính toán Việt Nam thiệt hại ít nhất khoảng 65.000 tỷ đồng mỗi năm vì các tác động của rượu bia.
Với việc các chế định xương sống về rượu bia bị đẩy ra ngoài, luật có khả năng lại trở thành công cụ bảo đảm "ngôi vương" tiêu thụ rượu bia của Việt Nam.
Dù một số đại biểu lên tiếng phản biện hầu hết chế định mạnh kiểm soát rượu bia tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp nhưng lại quên nói tới nguy cơ, tác hại đến trẻ em, một đối tượng yếu thế của xã hội.
KHI NGÀNH RƯỢU BIA "LO" CHO SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Hàng năm, các nhà sản xuất bia rượu chi tương đối đậm cho công cuộc marketing sản phẩm.
Theo báo cáo về tác động của rượu bia năm 2017 của Viện nghiên cứu đồ uống có cồn (Institute of Alcohol Studies, Anh), chi phí cho hoạt động quảng cáo và quảng bá sản phẩm đồ uống có cồn trong một năm đạt mức 1.000 tỷ USD, chiếm 40-50% tổng chi phí bán hàng của doanh nghiệp.
Những năm trở lại đây, các hãng rượu bia thường xuyên tài trợ cho các sự kiện thể thao lớn nhỏ. Trung bình những chiến dịch quảng cáo rượu bia chiếm khoảng 7% tổng số quảng cáo trong khung giờ vàng của các chương trình thể thao một năm, theo kết quả công bố của viện nghiên cứu nói trên.
Bên cạnh chiêu marketing, các nhà sản xuất đồ có cồn còn tìm cách vận động hành lang để một số điều luật như tăng thuế, hạn chế quảng cáo rượu bia không được thông qua.
Theo đó, hàng năm các hãng bia, rượu đều chi hàng chục triệu USD cho công tác vận động hành lang. Số liệu của Tổ chức Phản biện Chính sách (Washington D.C, Mỹ), từ năm 2011 đến nay, cho thấy số tiền chi cho hoạt động này tăng đều qua các năm.
Việt Nam bắt buộc phải chọn giữa sức khoẻ cộng đồng và ngành công nghiệp rượu.
Các hãng sản xuất rượu bia luôn nói họ phải có trách nhiệm truyền thông cho xã hội về việc “uống có chừng, dừng đúng mực".
Họ luôn đưa lý lẽ rằng bia rượu, không phải là cần sa hay ma túy hay chất gây nghiện bị cấm, là sản phẩm hợp pháp, vì thế họ nên được quảng cáo một cách tự do, chứ không nên bị cấm cản. Thậm chí những người sản xuất, tiêu thụ rượu còn ngồi chung với chính phủ để bàn về giải pháp nâng cao sức khoẻ.
CHỈ CÓ MỘT LỰA CHỌN
Mọi quyết sách đưa ra đều vô nghĩa nếu không dựa vào khoa học. Muốn phản biện nhóm vận động hành lang thì cần những bằng chứng khoa học xác đáng không thể chối cãi.
Đây là điều chúng ta không thiếu.
Nghiên cứu công bố cuối năm 2017 của The Lancet cho thấy đàn ông Việt Nam có mức tiêu thụ đồ uống có cồn trung bình của mỗi nam giới lên tới khoảng 4 ly bia một ngày, mức cao nhất trong thang đánh giá của nghiên cứu. Cùng năm, theo báo cáo của Bộ Y tế, tổng chi phí người Việt cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD.
Trước đó, Bộ Y tế từng cảnh báo Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Euromonitor dự báo lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam dự báo tăng trưởng 5%/năm cho đến 2022.
Mức tiêu thụ rượu bia trên đầu người hàng năm của Việt Nam gia tăng liên tục trong 10 năm qua, hiện tới 8,3 lít cồn/người/năm, vượt xa mức tiêu thụ bình quân của thế giới (6,5 lít/người/năm), đi kèm là các hậu quả: nghèo đói, bệnh tật, tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, bạo lực xã hội, tâm thần.
Không có luật, tình hình sử dụng rượu bia sẽ tiếp tục lan tràn, có nguy cơ cản trở thực hiện thành công 13 trong tổng số 17 mục tiêu phát triển bền vững quốc gia mà chính phủ đã cam kết với quốc tế vào năm 2030.
Việt Nam bắt buộc phải chọn giữa sức khoẻ cộng đồng và ngành công nghiệp rượu bia. Trước khi dự luật được thông qua, cái người dân cần là trách nhiệm với sức khoẻ cộng đồng trong từng lá phiếu của mỗi đại biểu Quốc hội.
Không lẽ chúng ta sợ “mất lòng” ngành rượu bia đến vậy?
Bác sĩ, tiến sĩ Trần Tuấn là một chuyên gia phản biện chính sách y tế và phát triển cộng đồng. Ông là giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, Cơ quan điều phối liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam. Ông từng là giảng viên Đại học Y Hà Nội, nghiên cứu viên sức khỏe quốc tế Takemi (Đại học Y tế công cộng Harvard). Ông lấy bằng Tiến sĩ Dịch Tễ học và Sức khỏe Dân số ở Đại học Newcastle (Anh).