Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kỹ sư Địa vật lý Nguyễn Sỹ Phương: Gương sáng điều tra tài nguyên biển

(18:07:16 PM 23/05/2019)
(Tin Môi Trường) - Thời gian công tác chưa hẳn dài nhưng chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Sỹ Phương đã kịp ghi dấu ấn với sự năng nổ nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm và chấp nhận gian khổ ngoài biển khơi để có được những số liệu từ đáy biển, áp dụng vào thực tế, góp phần không nhỏ vào việc điều tra tài nguyên biển.

Gặp lại kỹ sư Địa vật lý Nguyễn Sỹ Phương khi con tàu điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên – môi trường biển khu vực phía Bắc vừa cập bến tại vùng biển Vũng Tàu. Sỹ Phương cho biết: Đây là chuyến công tác đầu tiên của Trung tâm, nhiệm vụ triển khai trong khuôn khổ dự án “Điều tra đặc điểm địa chất, cấu trúc- địa động lực, hiện trạng môi trường và dự báo tai biến vùng biển Bình Thuận- Cà Mau đến độ sâu 300m nước, tỷ lệ 1: 500.000”. Kết quả của chuyến công tác rất thuận lợi, khối lượng công việc được giao hoàn thành tốt.

 

Kỹ sư Địa vật lý Nguyễn Sỹ Phương: Gương sáng điều tra tài nguyên biển

Lãnh đạo Trung tâm trao phần thưởng động viên những kỹ sư có thành tích xuất sắc trong chuyến ra khơi đầu tiên của năm 2019
 
Cũng trong ngày hôm đó, Ban lãnh đạo Trung tâm đã kịp thời động viên, trao quà đến những kỹ sư có thành tích nổi bật trong tháng. Nguyễn Sỹ Phương là một trong số những người được Ban lãnh đạo nhắc đến về chuyên môn và tâm huyết với nghề.
 
Sỹ Phương tốt nghiệp học chuyên ngành Địa vật lý, Khoa Dầu khí Trường Đại học Mỏ địa chất năm 2011. Phương đến với Trung tâm rất tình cờ, từ thông tin tuyển dụng trên trang web. Người đầu tiên Phương gặp khi ấy là Giám đốc Vũ Trường Sơn (nay là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam). Với nét mặt nghiêm nghị và những trao đổi thắng thắn từ một lãnh đạo có uyên thâm cùng với những chia sẻ thân tình, cởi mở như một động lực, sự tự tin để Phương bắt đầu sự nghiệp, thử thách cho mình tại nơi này. Phương chia sẻ: Từ nhỏ Phương đam mê khoa học trái đất, ngay từ khi còn mới vào đại học em đã xác định cho mình một mục tiêu phải không ngừng học hỏi, trau rồi kiến thức, sử dụng các hệ thống thiết bị nghiên cứu các trường Địa vật lý của trái đất phục vụ tìm kiếm khoáng sản, dầu khí và địa chất công trình.
 
Tháng 7/2011, Phương được chính thức nhận vào Trung tâm làm việc. Chuyến công tác điều tra đầu tiên tại vùng biển Nga Sơn – Diễn Châu với biết bao suy nghĩ như: Liệu mình có đủ sức chịu đựng được say sóng và bản lĩnh gió lớn của biển cả, cuộc sống gian khổ…rồi phải tìm hiểu làm quen đưa kiến thức đã học để vận dụng với thực tế công việc, các loại thiết bị máy móc chuyên dụng trên tàu, cách xử lý ngoài thực địa. Ra biển làm điều tra địa vật lý không giống như điều tra trên đất liền, khó khăn bất trắc có thể dình dập bất cứ lúc nào. Nhưng với niềm đam mê, yêu nghề nên những khó khăn, thiếu thốn, sóng gió biển khơi với Sỹ Phương giờ đây đều trở thành thân quen. Nhận thấy ở Phương có năng lực, chăm chỉ trong công việc, năm 2013 Sỹ Phương đã được bầu làm Đội trưởng Đội khảo sát địa Vật lý biển.  
 
Năm 2014, Phương vinh dự được cử làm Đại diện Khách hàng đi khảo sát Dự án GH khi đó trong giai đoạn khảo sát sơ bộ hợp tác với Công ty DMIGE của Nga, chuyến khảo sát đã cho tôi nhiều kinh nghiệm khi làm việc với hệ thống thiết bị địa chấn đa kênh, đo thủy âm; tháng 9/2014 Phương tiếp tục được cử đi học khóa học xử lý tài liệu địa chấn đa kênh ở Công ty Fairfield Việt Nam…Năm 2015, Phương tiếp tục được giao là Đội trưởng đội khảo sát Địa vật lý Dự án GH, nhờ sự nỗ lực của toàn đội, sự chỉ đạo của Lãnh đạo Trung tâm, sự ủng hộ của thời tiết đoàn của Sỹ Phương đã hoàn thành vượt kế hoạch được giao trong khoảng thời gian tháng 9 đến tháng 10/2015. Được giao trọng trách trước tập thể, trước đồng nghiệp, Sỹ Phương càng phải nỗ lực hơn để không phụ lòng của lãnh đạo và đồng nghiệp.
 
Cho đến nay, trải qua hơn 8 năm công tác tại Trung tâm, được giao nhiều nhiệm vụ, lúc nào, cho dù ở đất liền hay ngoài biển khơi, Sỹ Phương luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà lãnh đạo đã giao. Công việc đi khảo sát biển có lúc trời yên biển lặng, có lúc sóng gió, cũng có lúc máy móc trục trặc không thể làm việc được phải quay tàu về bờ để sửa chữa, bản thân người lao động cũng còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng với sự yêu nghề, trong công việc Phương vẫn bình tình, tự tin và động viên đồng nghiệp vẫn tâm huyết với công việc mình đã chọn. 
 
Được biết, thu nhập bình quân của mỗi kỹ sư địa vật lý biển của Trung tâm rất eo hẹp. Đặc thù của nghề điều tra TN&MT biển là làm việc trong điều kiện lao động công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm. Thường xuyên làm việc trên biển, chịu áp lực sóng biển, gió biển, độ rung lắc mạnh, độ ồn cao, hơi nước mặn. Tuy thực hiện công việc khảo sát trên biển, nhưng mức bồi dưỡng cho CBVCNLĐ của Trung tâm tại các vùng biển xa bờ đến độ sâu 2500m nước cũng lại thuộc mức thấp (sau khi trừ chi phí chỉ còn 5-6 triệu đồng/tháng), quá thấp so mức sống ở Hà Nội và với mặt bằng chung của lao động làm việc tại các giàn khoan, tàu dịch vụ vận tải, công nhân các trạm đèn nằm biệt lập chỉ cách đất liền 20 hải lý… trong khi đó phải tổ chức thi công liên tục 24/24g theo nhiều kíp. Mỗi chuyến khảo sát trung bình 25-30 ngày/đêm, thậm chí còn nhiều hơn nếu điều kiện thời tiết cho phép. Một nghịch lý đang tồn tại, càng tích cực tổ chức sản xuất tăng kíp (các tàu khảo sát tại vùng biển sâu xa bờ luôn hoạt động 24/24g trên biển), tiết kiệm chi phí thuê tàu khảo sát nhưng tiền bồi dưỡng đi biển (ăn định lượng) dù đã quá thấp nhưng vẫn không được tính theo thời gian thực tế.
 
Trong khi đó, những khi thời tiết xấu, biển động không khảo sát được (bão, áp thấp, gió mùa kéo dài), chờ đợi tại cảng không làm ra sản lượng nhưng lại chịu nhưng chi phí đắt đỏ. Mặc dù, những kiến nghị đã qua bao nhiêu năm tháng, nhiều cuộc họp bàn cãi, đề xuất này đã trình lên cấp trên và các cấp chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến  tình trạng nhiều viên chức, người lao động đã xin chuyển công tác, chấm dứt hợp đồng lao động. Câu chuyện này đã nhiều năm và Ban lãnh đạo Trung tâm để xuất lên Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Trước thực tế như vậy, Sỹ Phương cũng nhiều lần trăn trở nên hay không nên gắn bó với nghề, với Trung tâm?..Nhưng rồi, được sự động viên của Ban lãnh đạo, Phương lại có thêm động lực để tiếp tục gắn bó, động viên nhiều đồng nghiệp khác tiếp tục đồng hành cùng Trung tâm làm nhiệm vụ để góp phần vì sự nghiệp điều tra tài nguyên biển.
 
Mong mỏi của Sỹ Phương không phải cao xa, chỉ mong được các cơ quan cấp trên quan tâm, giải quyết những vướng mắc đã chia sẻ ở trên để những kỹ sư địa vật lý biển nói riêng và những kỹ sư đang làm điều tra biển thuộc Trung tâm, Bộ TN&MT được đãi ngộ đặc thù thỏa đáng để Phương và đồng nghiệp ở Trung tâm có thêm động lực yêu nghề, yêu biển.
HỒNG MINH