(Tin Môi Trường) - Ngày 15/ 5 tại Đồng Hới, 35 cán bộ ngành công an, tòa án và kiểm sát của ba tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị chính thức bước vào chương trình tập huấn kéo dài ba ngày về điều tra, truy tố và xét xử tội phạm liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD). Phần lớn các học viên là cán bộ tư pháp cấp quận, huyện - những người công tác ở tuyến đầu nơi thường phát hiện các vi phạm liên quan đến ĐVHD và chuyên trách xử lý loại hình tội phạm này.
Quang cảnh khoá tập huấn
Đây là khóa đầu tiên trong chuỗi 04 khóa đào tạo do tổ chức WCS và Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (TPH) - Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an phối hợp thực hiện trong tháng 5 và tháng 6 năm 2019. Ba khóa còn lại sẽ được tổ chức tại Vĩnh Phúc, Tây Ninh và Ninh Bình, nâng tổng số cán bộ thực thi pháp luật được đào tạo lên gần 160 người.
Khóa tập huấn sẽ cung cấp cho các học viên kiến thức và kĩ năng tập trung vào sáu nội dung cơ bản: các quy định pháp lý và quy trình xử lý các vụ việc liên quan đến ĐVHD; kĩ năng nhận dạng loài ĐVHD; thực hành xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; đánh giá, tổng kết kinh nghiệm từ một số vụ án về ĐVHD trong thực tế; thảo luận và đề xuất giải pháp nhằm cải thiện công tác phối hợp giữa ba ngành công an, kiểm sát và tòa án.
Để phục vụ cho tập huấn, WCS và TPH đã phối hợp với các cán bộ, giảng viên giàu nghiệp vụ của trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân và Tòa án nhân dân tối cao để xây dựng bộ tài liệu “Kỹ năng phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm về động vật hoang dã”. Đây là tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ đầu tiên hướng tới các cán bộ đa ngành, nhằm giải quyết một trong những thách thức lớn nhất trong xử lý tội phạm về ĐVHD là sự phối hợp kịp thời, nhuần nhuyễn giữa các cơ quan thực thi pháp luật.
PGS.TS Nguyễn Minh Hiển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, đại diện Học viện Cảnh sát nhân dân, phát biểu tại buổi khai giảng khóa tập huấn: “Trước thực tế tội phạm về ĐVHD đang phát triển ngày càng tinh vi, phức tạp về cả đối tượng và thủ đoạn, gây ra những tác động nguy hại về cả kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc gia, lực lượng thực thi pháp luật cần liên tục củng cố kiến thức, nghiệp vụ để đảm bảo không bỏ sót và xử lý triệt để loại hình tội phạm này. Các nội dung lý thuyết và thực hành trong khóa tập huấn này đều đề cao tính thực tiễn, tính thời sự và khả năng áp dụng trong công việc hàng ngày của các học viên. Đặc biệt, do có cơ hội tập hợp đội ngũ cán bộ chuyên trách đa ngành, chương trình sẽ ưu tiên thảo luận và đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong xử lý tội phạm về ĐVHD từ khâu tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu cho tới bắt giữ, điều tra, truy tố và xét xử. Chúng tôi tin rằng sau khóa tập huấn, các học viên sẽ trở thành những nhân tố tham gia tích cực trong xử lý tội phạm và thúc đẩy hợp tác liên ngành để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật liên quan đến ĐVHD.’
Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc WCS, chia sẻ “Sau nhiều năm hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật trong đấu tranh với tội phạm về ĐVHD, WCS đánh giá cao các kết quả trong công tác xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật - đây vẫn là một trong những sự đầu tư hiệu quả và bền vững nhất. Trong thời gian tới, WCS sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ sở đào tạo hàng đầu và các cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực tư pháp để xây dựng và đẩy mạnh các chương trình đào tạo đa ngành như thế này, nhằm mục tiêu giải quyết các khó khăn trong công tác phối hợp xử lý tội phạm, hướng tới gia tăng tỉ lệ tội phạm được xử lý kịp thời, đúng tội danh và nhận những bản án thích đáng.”
Trong chương trình tập huấn, học viên các lớp học sẽ tham gia hoạt động thực địa quan sát và nhận dạng nhanh một số loài ĐVHD, đồng thời tìm hiểu về công tác bảo tồn và cứu hộ ĐVHD tại các Vườn quốc gia và Trung tâm cứu hộ ĐVHD trong địa bàn tỉnh. Học viên của khóa tập huấn đầu tiên tại Quảng Bình sẽ đến thăm và làm việc tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bốn khóa tập huấn do WCS phối hợp với TPH thực hiện, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực thực thi và hợp tác nhằm phòng, chống các mạng lưới buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã ở Đông Nam Á và Châu Mỹ La-tinh” do Cục Đặc trách Chất gây nghiện và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL), Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.