Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Tìm ra cách ngăn chặn ung thư di căn
(10:46:32 AM 09/05/2019)
(Tin Môi Trường) - Các nhà nghiên cứu ở Thụy Sĩ kết hợp protein Activin B và thụ thể ALK7 tạo ra đường truyền tín hiệu khiến tế bào ung thư tự chết.
Một trong những thách thức lớn nhất của việc chống ung thư là ngăn chặn sự di căn tế bào khối u trong cơ thể.
Tìm phương pháp ngăn chặn ung thư di căn là nghiên cứu của nhiều nhà khoa học hiện nay.
Một nhóm nhà nghiên cứu ở Thụy Sĩ đã kết hợp protein Activin B và một thụ thể có tên ALK7. Activin B có vai trò quan trọng trong cơ thể, tham gia vào quá trình phát triển lan rộng của tế bào, sự trao đổi chất, phản ứng miễn dịch của cơ thể và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
Khi Activin B và ALK7 kết hợp tạo ra đường truyền tín hiệu, khiến các tế bào ung thư tự chết (apoptosis - rụng chết tế bào) và ngăn ngừa khối u hình thành, lan rộng. Để ngăn chặn khối u, thụ thể ALK7 và protein Activin B cần phải hoạt động song song. Nếu chúng hoạt động đơn lẻ, khổi u ung thư có thể ức chế một trong hai hoặc cả hai để sống sót.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thành công phương pháp này trên chuột ung thư thần kinh tụy và ung thư vú. Nhóm tiếp tục xem xét trên người mắc các bệnh ung thư khác nhau để tìm hiểu mối liên quan giữa ALK7 với khả năng thấp tái phát khối u. Kết quả bước đầu cho thấy quá trình di căn diễn ra chậm hơn khi cơ thể có mức ALK7 cao hơn, đặc biệt với bệnh nhân ung thư vú. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tiến hành thử nghiệm trên người.
Mặc dù phần lớn thử nghiệm đến nay chỉ thực hiện trên chuột, các nhà nghiên cứu tin rằng "người có các điểm tương đồng sinh học và hóa học với loài chuột, đặc biệt là cách phát triển khối u ung thư".
Giáo sư Douglas Hanahan từ Viện nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ, cho biết ALK7 và Activin B là tác nhân hóa học hữu ích trong việc ngăn ngừa ung thư di căn.
"Đây là mục tiêu đầy hứa hẹn đối với các loại thuốc chống ung thư trong tương lai, mặc dù cần nghiên cứu thêm", giáo sư Douglas Hanahan nói.