Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đủ loại nguồn gốc, xuất xứ
Khảo sát thị trường TPHCM cho thấy mặt hàng rong biển hiện được bày bán rất nhiều ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Tại chợ đầu mối Bình Tây (quận 6), nhiều sạp bày bán cả rong biển tươi lẫn khô. Rong biển tươi (không bao bì) giá từ 30.000 đồng - 40.000 đồng/kg (loại này được người bán tư vấn chỉ cần rửa sạch ăn sống và có thể trộn thành các món gỏi), không nên nấu chín vì dễ bị nát. Còn rong biển khô đóng gói nhãn hiệu Trung Quốc giá từ 120.000 đồng - 170.000 đồng/gói 500 g hoặc 700 g.
Tại siêu thị Lotte Mart (quận 7) đang bán khá nhiều loại rong, tảo biển có xuất xứ từ Hàn Quốc như rong, tảo biển nhãn hiệu Sonka do Công ty Jinpong Food sản xuất hoặc sản phẩm có nhãn hiệu Seasoned Wild Laver do Công ty Godbawee Food sản xuất được Công ty Vạn Thịnh Phú (quận 4) nhập khẩu và phân phối. Sản phẩm Dolgim Grilled Laver With Grapeseed Oil do Công ty Sempio Foods sản xuất. Công ty Gree World (đóng tại Đồng Nai) cũng sản xuất nhiều mặt hàng rong, tảo biển mang nhãn hiệu Wakame với nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc... Tuy nhiên, tại siêu thị này không thấy bán sản phẩm rong biển mang nhãn hiệu Wang Dried Kelp Varech Speche đang bị cảnh báo.
Tại các siêu thị khác như Co.opMart, BigC, Maximark, Citimart cũng đều có bán nhiều loại rong, tảo biển khô có xuất xứ từ Hàn Quốc mang các nhãn hiệu Gim, F&B Susi laver, Dongwon, Kimmy, Jaban, Sonka, My Yuk…
Siêu thị kiểm soát nguồn hàng
Trao đổi với chúng tôi, đại diện các siêu thị đều cho biết lâu nay không bán loại rong biển đang bị cảnh báo nên các loại rong, tảo biển khác vẫn bán bình thường. Tuy vậy, các nhà bán lẻ cũng đã có một số động thái nhằm trấn an người tiêu dùng và chờ kết luận kiểm tra từ cơ quan chức năng trong nước.
Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Maximark Cộng Hòa (quận Tân Bình), cho biết sáng 30-6, siêu thị đã mời các nhà nhập khẩu mặt hàng rong biển có nguồn gốc từ Hàn Quốc đến để làm việc như kiểm tra các chứng từ, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng, giấy tờ liên quan đến lô hàng. Đồng thời liên hệ cơ quan y tế để tham vấn một số thông tin liên quan đến các tiêu chuẩn sản phẩm để có bước xử lý tiếp khi cần thiết. Tương tự, đại diện Co.opMart cho biết Phòng Quản lý chất lượng của đơn vị sẽ chủ động trao đổi với cơ quan chức năng về hàm lượng i-ốt và chờ kết luận của ngành y tế xử lý như thế nào về các loại sản phẩm này.
Ông Ngô Văn Hải, Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Citimart, cho biết: Dù siêu thị không bán mặt hàng bị cảnh báo nhưng để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, siêu thị yêu cầu nhà nhập khẩu, nhà phân phối các sản phẩm rong biển có nguồn gốc từ Hàn Quốc và từ các nước khác phải lấy mẫu mang đến cơ quan chức năng kiểm nghiệm lại và cung cấp giấy chứng nhận kiểm nghiệm này cho siêu thị. Trước mắt, các mặt hàng trong nhóm hàng rong biển vẫn được bày bán bình thường trong thời gian chờ kiểm nghiệm. Sau thời gian quy định, nếu đơn vị nào không cung cấp được giấy chứng nhận kiểm nghiệm thì siêu thị sẽ rút hàng khỏi quầy. Đại diện Lotte Mart cho hay bộ phận thu mua của Lotte Mart đã yêu cầu các nhà nhập khẩu cung cấp giấy chứng nhận liên quan đến chất lượng hàng hóa, đồng thời yêu cầu họ lấy mẫu kiểm nghiệm lại…
Sẽ kiểm tra hàm lượng i-ốt
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho biết cũng đã nghe thông tin cảnh báo về loại rong biển có hàm lượng i-ốt cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này cũng phải bình tĩnh xem xét bởi i-ốt là rất cần thiết cho cơ thể, thậm chí chất này còn được ủng hộ đưa vào cả trong nước mắm để bổ sung vấn đề thiếu i-ốt lâu nay. Dù vậy sắp tới, chi cục sẽ kiểm tra lại sản phẩm này xem hàm lượng i-ốt có vượt mức cho phép hay không để cảnh báo người tiêu dùng, đồng thời có biện pháp kiểm tra, xử lý phù hợp. |