Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ông Võ Văn Thưởng: Singapore như ngày nay nhờ kiên trì đánh roi người xả rác

(10:20:27 AM 21/04/2019)
(Tin Môi Trường) - Nếu không kiên trì đánh roi người xả rác, phạt tiền người nhả kẹo cao su thì Singapore không được như ngày nay, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng dẫn chứng cho việc muốn có thói quen đạo đức thì phải có biện pháp cưỡng chế.

Ông Võ Văn Thưởng: Singapore như ngày nay nhờ kiên trì đánh roi người xả rác

Ông Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận hội nghị sáng 20-4 - Ảnh: MAI HOA

 
Làm nghiêm mới có tiến bộ
 
Ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - phát biểu tại hội nghị kiểm tra đánh giá việc triển khai, thực hiện nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn TP.HCM, diễn ra sáng nay 20-4.
 
Ông Thưởng nêu quan điểm rằng phát triển văn hóa con người luôn phải đi đôi xây và chống. Trong đó, xây là cơ bản nhưng chống phải quyết liệt, bởi theo ông, thói quen đạo đức chỉ được hình thành trên cơ sở cưỡng chế của pháp luật và sự cổ vũ cũng như phê phán của dư luận xã hội.
 
Ông Thưởng dẫn chứng về đất nước Singapore: "Nếu họ không kiên trì đánh roi những người xả rác, phạt tiền những người nhả kẹo cao su thì Singapore không được như ngày nay".
 
Liên hệ đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, phòng chống suy thoái về tư tưởng đạo đức trong Đảng, ông Thưởng nói những việc này đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều nhưng chuyển động không như mong muốn vì thực hiện chưa nghiêm.
 
"Kỳ này gắn với trách nhiệm, tăng cường kiểm tra giảm sát, xử lý kỷ luật Đảng là có tiến bộ ngay", ông Thưởng nói.
 
TP.HCM: Bao nhiêu nhà hát bị biến thành nhà hàng?
 
Ông Võ Văn Thưởng cũng đánh giá cao những việc TP.HCM đã làm được, nhưng theo ông, so với yêu cầu cao của việc phát triển văn hóa con người, so với vị trí rất quan trọng và tiềm lực của TP, cũng như so với kỳ vọng của cả nước với TP thì còn nhiều vấn đề phải nỗ lực hơn. 
 
Ông Thưởng thẳng thắn nhận định TP.HCM đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng.
 
"Từ năm 1975 tới nay, TP.HCM đã xây dựng được nhà hát Hòa Bình, nhà hát Mạc Đĩnh Chi, nhưng đã biến bao nhiêu nhà hát thành trung tâm thương mại, nhà hàng, quán cà phê, nơi tổ chức đám cưới? Tính ra thì cái xây ít hơn cái đã bỏ đi", ông nói.
 
"Hệ thống bảo tàng, thư viện chưa tương xứng, đời sống thực tiễn luôn sôi động, ẩn chứa nhiều cái mới mẻ nhưng các tác phẩm văn học nghệ thuật chưa phản ánh được nhịp sống đó, chưa có những tác phẩm xứng tầm".
 
Ông Thưởng cũng nói thêm hiện nay trong các ngành công nghiệp văn hóa đang có dòng chảy mạnh mẽ âm thầm. Sách, phim, thời trang xuất khẩu ra nước ngoài rất nhiều, nhưng đó là nhờ sự nỗ lực năng động sáng tạo của doanh nghiệp, còn nhà nước mới chỉ ở tầm… kế hoạch.
 
Trình bày báo cáo trước đoàn kiểm tra của trung ương, ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM - nhấn mạnh thời gian qua TP đã đạt những kết quả trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém.
 
Trong đó có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có một số lãnh đạo TP, đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
 
Những nỗ lực trong giáo dục truyền thống yêu nước, xây dựng con người mới XHCN chưa tạo được nội lực đủ mạnh để tạo nên sức đề kháng chống lại sự xâm lấn, lây lan và diễn biến phức tạp của những yếu tố độc hại có tính hủy hoại nhân cách, gây nên suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống trong xã hội.
T.T