Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bó rau bằng lá chuối, mo cau: Không chỉ là xu hướng

(21:16:37 PM 18/04/2019)
(Tin Môi Trường) - Các phiên chợ ở nông thôn, việc dùng lá chuối, bẹ chuối, cọng rơm, mo cau,…để bọc thực phẩm không có gì xa lạ, tuy nhiên, ở thành phố lại là chuyện hiếm. Bởi sự tiện lợi mà túi nilon được sử dụng vô tội vạ. Đã đến lúc, vật liệu “nông thôn” được sử dụng rộng rãi để bảo vệ môi trường.

Bó rau bằng lá chuối, mo cau: Không chỉ là xu hướng

Bà Mười hơn 10 năm đã dùng mo cau, bẹ chuối để gói rau muống. Ảnh:Đ.V

 

Người bán rau cũng biết bảo vệ môi trường
 
Những ngày gần đây, người tiêu dùng cả nước khi vào siêu thị như được trở về với các phiên chợ quê. Bởi lẽ, khi họ mua các nông sản như các loại rau, đậu cô ve,… thì tất cả đều được gói bằng lá chuối xanh, lá dong hay buộc bằng nan tre. Tuy vậy, việc gói thực phẩm bằng những vật liệu trên đã được gia đình bà Nguyễn Thị Mười (75 tuổi, ở phường Sơn Phong, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước.
 
Bà Mười chia sẻ, xưa kia, người dân ở các vùng quê thường hay dùng sợi rơm, bẹ chuối, mo cau…để bó rau. Vì đây là những vật liệu có sẵn, không phải bỏ tiền ra mua. Dần dà, khi xã hội phát triển, người ta bắt đầu dù dây nilong để thay thế.
 
Bó rau bằng lá chuối, mo cau: Không chỉ là xu hướng
Bó rau muống cùng mo cau chẻ sợi của bà Mười khi bán ở vỉa hè. Ảnh: Đ.V
 
“Từ lúc bắt đầu nghề bán rau, gia đình tôi đã dùng những loại dây buộc từ các thứ có sẵn. Vốn là những thứ rất gần gũi ở vùng quê nên không hề khó tìm. Bây giờ, những dây rơm, bẹ chuối, mo cau…rất khó tìm ở Hội An nhưng gia đình tôi vẫn chưa bao giờ thôi ý định dùng dây nilong để buộc, không có cái này thì dùng cái khác chứ dùng dây nilong vừa làm độc  thực phẩm vừa làm ô nhiễm môi trường…” - bà Mười nói.
 
Hằng ngày, sau mỗi buổi tan chợ, bà Mười đều lặn lội đi tìm những mo cau rơi xuống đất khi hẵng còn tươi đem về chẻ thành sợi để dùng cho ngày mai. Có cả chồng, con của bà Mười cũng đi quanh Hội An để tìm và hàng xóm cũng thi thoảng đem tới những mo cau, bẹ chuối…để cho bà gói rau.
 
Bà Nguyễn Thị Bốn (83 tuổi) nói: “Thấy bà Mười gói rau bằng mo cau, bẹ chuối… vậy mà an toàn. Gia đình tôi khi mua rau cũng tới chỗ của bà Mười. Giờ môi trường bị rác thải nilong làm ô nhiễm nhiều quá. Ở nước mình mà ai cũng như gia đình bà Mười thì môi trường sẽ được bảo vệ”.
 
Rảo bước một vòng qua các quầy bán rau ở chợ Hội An, mo cau, bẹ chuối, thân cây tre chẻ thành sợi…đã bắt đầu manh nha. Dù chưa áp đảo sợi nilong nhưng trong một nhất định trong tương lai gần, những vật liệu thân thiện môi trường sẽ được phát triển mạnh.
 
Không chỉ là trào lưu
 
Vào cuối năm 2017, một kế hoạch “Hướng đến không rác thải nhựa” được xây dựng, trong đó, cơ quan hành chính ở TP.Hội An là đơn vị đầu tiên thực hiện mô hình “Công sở không rác thải nhựa” . Đến cuối tháng 10.2018, các cơ quan hành chính ở TP.Đà Nẵng cũng triển khai mô hình này và người dân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.
 
Hơn nữa, tại Hội An, các đề án để hướng tới bảo vệ môi trường một cách bền vững được người dân, khách du lịch hưởng ứng nồng nhiệt và bước đầu đem lại hiệu quả. Thông qua những cách là dù là đơn giản như: các cửa hàng dịch vụ ăn uống đã bắt đầu dù các ống hút từ cây tre, trúc, cây sậy hoặc ly giấy…để thay cho ống nhựa, ly nhựa.
 
Các dịch vụ cho thuê thuyền Kayak và cử người hướng dẫn khách du lịch chèo dọc các con sông để vớt rác. Số tiền thu được sẽ dùng vào việc mua sắm trang thiết bị như bao tải, vợt…hoặc có khi trả cho nhân viên đi thu gom rác.
 
Bó rau bằng lá chuối, mo cau: Không chỉ là xu hướng
Khách du lịch chèo thuyền Kayak đi vớt rác ở Hội An. Ảnh: Đ.V
 
Việc bọc thực phẩm bằng vật liệu ở vùng “nông thôn” sẽ góp phần tích cực thay đổi thói quen người tiêu dùng, hạn chế sử dụng túi nilon. Hy vọng đây không chỉ là trào lưu, là cách quảng cáo mà sẽ trở thành hướng đi bền vững.
ĐỖ VẠN