Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Dự án lấn sông Hàn đe dọa cầu Thuận Phước?

(20:40:58 PM 18/04/2019)
(Tin Môi Trường) - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long - phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam - bày tỏ lo ngại dự án Marina Complex lấn sông Hàn làm khu đô thị sẽ ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của cầu treo dây võng Thuận Phước.


Dự án lấn sông Hàn đe dọa cầu Thuận Phước?

Vị trí lấn sông của dự án Marina Complex gây lo ngại đến sự an toàn của cầu treo dây võng Thuận Phước - Ảnh chụp từ Google Earth
 
Trao đổi, tiến sĩ Long cho biết trước đây có những dự án lấn sông như sông Đồng Nai đã vấp phải phản ứng của xã hội. Dự án lấn sông Hàn ở Đà Nẵng để làm khu đô thị cũng có tính chất tương tự dù quy mô nhỏ hơn.
 
Vị trí của dự án nằm ở cửa sông Hàn và ở thượng lưu cầu treo dây võng Thuận Phước, gây ra những lo ngại cần phải làm rõ.
 
"Qua thông tin báo chí, tôi thấy một số câu hỏi đặt ra, cần giải đáp là Đà Nẵng nói dự án làm từ năm 2011, đến 2017 mới quyết định thực hiện giai đoạn 2. Vậy giai đoạn 1 làm gì, có đắp đất lấn sông hay không hay đến giai đoạn 2 mới đắp đất lấn sông? Nếu giai đoạn 2 đắp đất lấn sông từ năm 2017 thì việc công khai dự án có làm đầy đủ theo thủ tục không để đến nay dư luận mới bất ngờ với dự án lấn sông như thế?", ông Long đặt ra các câu hỏi.
 
"Đến nay dự án đã làm xong kè, cơ bản san nền xong mới vấp phải sự phản ứng. Vậy có thời gian làm từ trước đó nhiều tháng tại sao không ai nói gì?" - ông Long nêu ý kiến.
 
Ông Long cho rằng cần xem báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đã tính toán đầy đủ và chính xác chưa về tổng quan tác động của dự án theo góc độ kinh tế, xã hội, môi trường, cộng đồng dân sinh... 
 
"Dư luận mong muốn làm rõ cơ quan nào làm trọng tài khách quan đứng ra xem ĐTM đã được phê duyệt nhưng có đầy đủ nội dung hay không, đã xem xét hết các yếu tố tác động chưa. Nếu chưa thì phải làm cho đủ. Nếu người ta bổ sung vào ĐTM những nội dung còn thiếu, kết quả bổ sung cho thấy là đúng thì phải đánh giá là đảm bảo. Còn thấy ĐTM thiếu những gì phải có biện pháp đứng trước sự việc đã rồi, phải có những giải pháp phòng ngừa để ngăn cản những tác động xấu", ông Long nói.
 
"Nếu kết luận cho rằng tác động của dự án là rất xấu thì cấp quyết định đầu tư phải cân nhắc lại quyết định của mình kể cả việc quyết định cho dự án tồn tại hay không. Nhìn nhận tổng quan về một dự án mang tính chất thay đổi môi trường tự nhiên cần có thái độ như thế, khách quan, đầy đủ, khoa học, hết sức bình tĩnh".
 
Từ góc độ của một người làm chuyên môn về hạ tầng giao thông, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long bày tỏ lo ngại trụ tháp và mố neo cầu Thuận Phước phía phường Nại Hiên Đông dễ bị tác động xấu bởi sự thay đổi dòng chảy của sông Hàn.
 
"Nhìn từ bản đồ vệ tinh, phần thượng lưu của khu vực đắp đất lấn sông có một khu vực bị lõm vào bờ Đông của sông Hàn. Quy luật của dòng chảy sẽ tạo ra một vòng xoáy tại đây gây xói cục bộ ngay tại bờ này. Còn phía hạ lưu phần lấn sông dòng chảy tiếp tục mở ra có xu hướng ảnh hưởng trực tiếp 2 kết cấu của cầu Thuận Phước là trụ tháp và mố neo dây cáp ở đầu cầu phía Đông", ông Long phân tích.
 
Theo giải thích của tiến sĩ, trong kết cấu cầu treo dây võng, mố neo có thể nói là hạng mục quan trọng bậc nhất vì là nơi neo dây cáp để giữ ổn định và cân bằng cho các sợi dây cáp võng. Do đó phải đánh giá, tính toán được sau khi lấn sông thì độ xói ở mố neo và trụ tháp thay đổi làm ảnh hưởng tới khả năng chịu lực của 2 kết cấu này như thế nào.
 
Ngoài tính toán theo mô hình vật lý còn phải quan trắc thay đổi chiều sâu hố xói của mố neo, trụ tháp trước và sau khi có phần đất lấn sông, nhất là trong mùa lũ. Nếu kết quả tính toán, kết luận có ảnh hưởng thì phải có biện pháp xử lý để không ảnh hưởng đến trụ tháp và mố neo.
 
"Cần lưu ý vị trí này nằm ở cửa sông Hàn đổ ra biển nên có tác động dòng chảy từ thượng lưu ra biển và từ biển vào. Đặc biệt khi giông bão sẽ có những con sóng kết hợp với thủy triều ngoài biển đổ vào. Đứng về góc độ giao thông, tôi muốn làm rõ tác động của việc này với cầu Thuận Phước khi có dự án lấn sông. UBND TP Đà Nẵng phải có trách nhiệm đầy đủ với công trình này theo đúng quy định", ông Long nhấn mạnh.
Liên quan đến thông tin Sở Xây dựng Đà Nẵng giải thích rằng từ thời Pháp thuộc đã xây kè đá ở khu vực lấn sông làm dự án bất động sản để hướng dòng chảy không gây sạt lở khu vực hạ lưu sông Hàn, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long phản biện:
 
"Không phải thời trước người ta làm cái gì thì đến giờ cái đó vẫn đúng. Thời Pháp thuộc làm kè thì chưa có cầu Thuận Phước, các yếu tố địa hình tự nhiên, môi trường, khí tượng thủy văn cách đây cả trăm năm cũng không giống bây giờ.
 
Không biết người Pháp làm kè thế nào nhưng cách trả lời như vậy vừa không cập nhật vừa thiếu khoa học, thiếu biện chứng".
Tuấn Phùng/TTO