Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

"'Tôi thấy người ta đựng rác trong túi chúng ta hay đựng khoai lang chiên"

(18:42:09 PM 15/04/2019)
(Tin Môi Trường) - Hiểu được tác hại của những thói quen xấu ảnh hưởng môi trường, ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm và cùng nhắc nhở nhau tập thói quen đi du lịch xanh.

"'Tôi thấy người ta đựng rác trong túi chúng ta hay đựng khoai lang chiên"

Anh Hồ Nhật Hà, người đi bộ xuyên Việt với cây đàn trong 113 ngày, chia sẻ các kỹ năng sinh tồn với bạn trẻ tại buổi talk show “Đi để yêu hơn” - Ảnh: MINH PHƯỢNG

 
Trong chương trình "Đi để yêu hơn" do Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia tổ chức mới đây tại TP.HCM, các bạn chia sẻ với nhau bí quyết đi du lịch, nhất là các kỹ năng khi đến với rừng.
 
Không thể khôi phục
 
Các bạn nói về những chuyến đi đáng nhớ của mình và cho biết từ những trải nghiệm thực tế, họ tiếc nuối, đau lòng khi thiên nhiên bị tàn phá, môi trường bị ô nhiễm cũng như ý thức về bảo vệ môi trường của người dân vẫn chưa được coi trọng.
 
Gia Mẫn kể lần du lịch ở Penang (Malaysia), cô bạn đã rất ngạc nhiên với khu phố cổ toàn người già sinh sống, mọi người có ý thức bảo vệ môi trường cao, đâu đâu cũng sạch sẽ. Hơn nữa, người dân ở đây còn phân loại rác thành bốn loại khác nhau. 
 
Mẫn cho biết người dân ở đây không dùng túi nilông mà đựng trong túi giấy. "Như túi chúng ta hay dùng để đựng khoai lang chiên" - Mẫn ví dụ hình ảnh. Gia Mẫn chia sẻ, để môi trường không bị ô nhiễm thì tất cả mọi người đều phải chung tay. "Kể cả người đến đó cũng như người dân mới mong cải thiện được" - Gia Mẫn nói.
 
Anh Hồ Nhật Hà, người thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt từ TP.HCM đến Hà Giang trong 113 ngày, kể lại chuyến đi đáng nhớ của mình. Anh cho biết tuy đi qua rất nhiều cảnh đẹp của đất nước nhưng anh cũng chứng kiến nhiều cảnh đau lòng: "Tôi nhận ra thiên nhiên nhiều nơi đang bị tàn phá rất khủng khiếp, như khi đi qua Thanh Hóa thấy người ta xẻ thịt từng quả núi. Thiên nhiên mất đi không thể khôi phục" - anh Hà nói.
 
Bắt đầu từ bây giờ
 
"Thiên nhiên đang bị con người xâm phạm, phá hoại, vì thế đi du lịch xanh để bảo vệ môi trường là điều không của riêng ai và phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Đi để giải tỏa stress, thấy yêu đời hơn nhưng cũng để yêu thiên nhiên, yêu môi trường mình đến" - chị Đỗ Thị Thanh Huyền - giám đốc, nhà sáng lập Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia - nhấn mạnh.
 
Từng có 18 năm làm việc ở lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, đi nhiều nơi, chị Huyền cho biết để hạn chế thấp nhất rác thải nhựa, trong những chuyến đi mọi người sử dụng lá chuối gói cơm nắm muối vừng mang theo thay cho túi nilông, hộp xốp. Hộp nhựa thì sử dụng nhiều lần, cá nhân tự mang theo chén đũa riêng của mình. 
 
"Trong mỗi chuyến đi vào rừng, phải làm sao mang tất cả rác của mình ra khỏi rừng. Nếu có thể hãy mang thêm rác của người khác" - chị nhắn gửi.
 
Ngoài việc không xả rác, theo chị Huyền, đi du lịch xanh là phải xem chuyến đi ấy có thân thiện với môi trường không, những nơi sẽ đến có ảnh hưởng gì đến thiên nhiên? "Có những môi trường tự nhiên, sự xuất hiện của con người, mùi người can thiệp sẽ không tốt cho sự phát triển thiên nhiên. Tiếp đó, phải tuân thủ nguyên tắc cái gì ở đâu hãy để yên ở đó" - chị Huyền chia sẻ.
 
Theo chị Huyền, khi đi du lịch, không lấy đi bất cứ thứ gì vì "một người lấy, hàng triệu người cũng lấy sẽ ảnh hưởng đến thiên nhiên". 
 
"Lần đi Tà Năng, tôi thấy việc mọi người vào rừng hái phong lan là một câu chuyện buồn. Người dân ở đây vào rừng lấy phong lan để bán. Khách du lịch đi rừng thấy lan cũng lấy. Việc khách du lịch mua lan của người dân hái cũng là cách tiếp tay cho hành động phá hoại thiên nhiên. Vì thế, đừng lấy bất cứ thứ gì ngoài những bức ảnh" - chị Huyền gửi gắm.
 
Tại buổi talk show, các bạn trẻ được chia sẻ những kỹ năng sinh tồn khi đi rừng, lời khuyên dành cho các bạn nữ, các động tác để giúp cơ thể chống được mệt mỏi, ngủ trong rừng sao cho an toàn...
Minh Phượng