(Tin Môi Trường) - Ngày 5/4/2019, trong khuôn khổ Sáng kiến Liên mình Hạ Long - Cát Bà do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, IUCN tổ chức hội thảo về “Giải pháp công nghệ và quản lý đối với nước thải từ thuyền du lịch và các hoạt động du lịch tại Vịnh Hạ Long và Quần Đảo Cát Bà” tại khách sạn Sài Gòn – Hạ Long, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Hội thảo tập trung thảo luận các giải pháp công nghệ và quản lý đối với vấn đề nước thải tại khu vực nói trên với sự tham gia của doanh nghiệp và các bên liên quan. Đến dự hội thảo có Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long, Ông Nguyễn Công Hòa, Giám đốc Ban quản lý các vịnh Cát Bà và Ông Jake Brunner Quyền trưởng đại diện IUCN Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp có Công nghệ xử lý nước thải tàu biển như Công ty Cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Môi trường Quảng Ninh, Công ty TNHH MXD Hoa Đông, Công ty TNHH Công nghệ Xử lý nước TA, Công ty Cổ Phần WESTERNTECH Việt Nam ...
Tại Vịnh Hạ Long, tính đến năm 2018, có khoảng 500 thuyền du lịch đang hoạt động bao gồm 320 thuyền ngày và hơn 160 thuyền đêm. Tại quần đảo Cát Bà, nơi hiện có 121 thuyền cung cấp dịch vụ du lịch bao gồm 59 thuyền đêm và 62 thuyền ngày. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực xây dựng các quy định pháp lý để quản lý nước thải từ tàu du lịch và hoạt động du lịch, tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nước thải vẫn đang là thách thức lớn.
Tháng 7/2018, theo yêu cầu của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, IUCN tổ chức đoàn tư vấn đánh giá do hai chuyên gia quốc tế thực hiện nhằm hỗ trợ hoạt động quản lý du lịch bền vững và bảo vệ môi trường tại Vịnh Hạ long. Theo ý kiến của đoàn tư vấn những giá trị về địa chất của Di sản hiện chưa bị đe dọa nhưng với số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng cùng công tác quản lý du lịch và chất thải chưa hiệu quả đã và đang tác động rất lớn đến những Giá trị Nổi bật Toàn cầu của Di sản (OUVs), và đây cũng là vấn đề đối với Quần đảo Cát Bà do hai khu vực cùng chia sẻ một hệ sinh thái biển.
Dựa trên những khuyến nghị của đoàn tư vấn đánh giá IUCN, tháng 2/1019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chủ động yêu cầu tất cả các cảng, bến phải cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý nước thải từ các tàu thuyền du lịch. Nếu các chủ cảng, bến không thể cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý nước thải, họ sẽ phải ký hợp đồng với các tổ chức cá nhân có năng lực để cung cấp. Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long đã đồng ý giao Ban Quản lý các Dịch vụ Công ích cung cấp dịch vụ xử lý nước thải cho các tàu du lịch. Đồng thời, Ban quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã chủ động lồng ghép một số quy định vào quá trình tiếp nhận thủ tục gia hạn hợp đồng du lịch hàng năm cụ thể như không cho phép các chủ tàu xả nước thải chưa qua xử lý xuống Vịnh và phải ký hợp đồng với công ty xử lý thu gom nước thải nếu như không có thiết bị xử lý trên tàu.
Lãnh đạo BQL Vịnh Hạ Long và IUCN tham quan gian hàng
Với mục đích hỗ trợ các chủ tàu tuân thủ các quy định mới được ban hành, cũng như xây dựng hệ thống xử lý nước thải trên tàu hoặc sử dụng dịch vụ bên ngoài, IUCN đã tổ chức hội thảo nói trên. Mục đích cụ thể của hội thảo bao gồm: (i) Chia sẻ và cập nhật thông tin về các công nghệ xử lý nước thải mới, phù hợp đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định khác về bảo vệ môi trường tại Quảng Ninh và Hải Phòng; (ii) Thảo luận các giải pháp thiết kế, vận hành, quản lý và giám sát quá trình thu gom và xử lý nước thải từ các tàu du lịch và các hoạt động du lịch khác; (iii) Kết nối các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp có liên quan với các chủ thuyền du lịch đang hoạt động tại Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà và các cơ quan chính phủ.
Tới tham dự cuộc hội thảo còn có có sự tham gia của các doanh nghiệp bao gồm các công ty công nghệ và du thuyền, các trường đại học, viện nghiên cứu, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, các ban ngành liên quan của Quảng Ninh và Hải Phòng, các thành viên doanh nghiệp và đối tác của Liên minh Hạ Long – Cát Bà. Cuộc họp còn có các gian hàng trưng bày công nghệ sản phẩm của các công ty .
Đại diện Công nghệ Xử lý nước MET
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long – Cát Bà được khởi xướng vào năm 2014 nhằm xây dựng cơ chế hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, từ đó thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, bảo vệ môi trường tại Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà. Năm 2015, Liên minh thành lập Ban lãnh đạo nhằm giải quyết những thách thức về môi trường từ hoạt động của các du thuyền, hỗ trợ kỹ thuật cho UNESCO trong công tác quản lý Vịnh Hạ Long cũng như đề xuất mở rộng Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long bao gồm quần đảo Cát Bà.
Năm 2017, USAID tiếp tục hỗ trợ tài chính cho IUCN, trước hết, để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào Liên minh nhằm thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và bảo vệ Di sản; vận động để nhà nước ban hành các quy định chính sách thúc đẩy các hoạt động này. Thứ hai là khẳng định giá trị của việc đề cử Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long mở rộng được thể hiện thông qua mức độ giám sát ở cấp độ quốc tế và từ đó sẽ tác động đến công tác quản lý môi trường của Khu di sản trong tương lai.