1. PHÁP – ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ XANH
Giờ Trái đất tại Pháp đưa lối sống bền vững trên từng cá nhân lên một tầm cao mới với ứng dụng di động WAG (We Act For Good). WAG nhắc nhở người sử dụng hướng tới sống xanh trong mọi công việc, hành động hàng ngày. Tháp Eiffel - biểu tượng của đất nước, cùng hơn 200 di tích ở Paris và các thành phố khác tại Pháp cũng sẽ đồng loạt tắt điện vào tối ngày 30/03.
2. PERU: TIẾN TỚI LOẠI BỎ NHỰA SỬ DỤNG 1 LẦN
Peru đang trong nhiệm kỳ của Tổng thống Martín Alberto Vizcarra Cornejo - người sẽ điều hành sự kiện Giờ Trái đất năm nay. Tổng thống Peru luôn cổ suý mạnh mẽ cho các hành động bảo vệ thiên nhiên và đưa Peru trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên có luật về khí hậu. Peru cũng đưa ra cam kết sẽ loại bỏ nhựa sử dụng một lần vào năm 2021. Chiến dịch tại Peru còn khuyến khích tất cả người dân giảm thiểu dấu chân carbon và hạn chế sử dụng nhựa để mang lại một Peru bền vững hơn cho thế hệ tương lai.
Sự kiện Giờ Trái đất của Peru sẽ bắt đầu vào buổi chiều với một hội chợ sinh thái và một cuộc đua nơi những người tham gia sẽ nhặt trên đường phố, có sự tham gia của Phu nhân Tổng thống, sau đó là cuộc đua xe đạp mà Tổng thống sẽ tham gia. Bộ trưởng Bộ Môi trường, Thị trưởng Lima, và chính Tổng thống sẽ cùng tham gia khoảng khắc tắt điện, nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động khí hậu và luật hạn chế nhựa sử dụng một lần...
3. BRAZIL: NHỮNG NGÔI SAO NGOÀI VŨ TRỤ
Khi đèn tắt vào thời điểm Giờ Trái đất, các ngôi sao xuất hiện sáng hơn! Brazil đã hợp tác với Hướng đạo sinh trong chiến dịch Giờ Trái đất 2019 để huy động hàng ngàn người trên toàn quốc tới Công viên Quốc gia để thực hiện hành động #Connect2Earth, bằng cách ngắm nhìn và quan sát thiên nhiên trong môi trường không bị ánh đèn ảnh hưởng, những khung cảnh vốn bị lãng quên trong cuộc sống hàng ngày.
4. COLOMBIA, PERU & MEXICO: CHIA SẺ ẢNH CHỤP
Các quốc gia Mỹ Latinh gồm Colombia, Peru và Mexico đang cùng nhau tham gia Giờ Trái đất bằng cách tạo ra một nền tảng kỹ thuật số cho phép mọi người tìm hiểu về các giá trị của thiên nhiên và cách kết nối với nó. Chiến dịch mang tầm khu vực này sẽ kêu gọi mọi người chia sẻ hình ảnh về những trải nghiệm yêu thích của họ trong tự nhiên trên nền tảng kỹ thuật số.
5. PHẦN LAN: CẮT GIẢM TIÊU THỤ THỊT
Phần Lan đã có những bước tiến lớn trong việc khuyến khích mọi người ăn uống lành mạnh và hợp lý hơn - vì thực tế thực phẩm con người tiêu thụ có tác động rất lớn đến môi trường, đa dạng sinh học và khí hậu. Thịt và sữa là một trong những yếu tố góp phần đáng kể tạo ra khí thải nhà kính và biến đổi khí hậu. Năm ngoái, 1,3 triệu người Phần Lan (một phần tư dân số của đất nước) đã cùng tham gia bữa tối chay dưới ánh nến lớn nhất thế giới vào giờ Trái đất. Năm nay, chính phủ khuyến khích mọi người giảm tiêu thụ thịt bằng cách chia sẻ công thức nấu ăn chay với các trường học, nhà hàng và công ty.
6. ECUADOR: CẤM NHỰA HOÀN TOÀN
Ecuador là một trong những quốc gia đa dạng sinh học nhất trên Trái đất. Họ đang thúc đẩy một đạo luật sẽ cấm sử dụng túi nhựa, các sản phẩm nhựa và xốp dùng một lần khác ở thủ đô Quito. WWF-Ecuador đã tận dụng thành công ảnh hưởng của Giờ Trái đất làm nền tảng cho lệnh cấm tương tự ở Galapagos chỉ vài năm trước.
7. NAMIBIA: TÌM HƯỚNG BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC
Namibia lần đầu tiên tiến hành mở rộng quy mô chiến dịch Giờ Trái đất với thông điệp Connect2Earth - Connect2Wildlife (Kết nối Trái đất - Kết nối Thiên nhiên Hoang dã), đến các vùng nông thôn và thành thị của đất nước. Với hy vọng nâng cao nhận thức về lợi ích và giá trị của thiên nhiên, cũng như khơi dậy những mối quan tâm về sự đe dọa và nguy cơ mất tự nhiên trong giới trẻ, Namibia sẽ hợp tác với các trường học ở 3 khu vực để đưa ra những cách thức sáng tạo bảo tồn môi trường và ngăn chặn sự mất đa dạng sinh học.