(Tin Môi Trường) - Sau văn bản số 2715/UBND-TNMT ngày 16/11/2018 của UBND tỉnh Yên Bái về việc đình chỉ 10 giấy phép của 9 doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác cát sỏi trên địa bàn để hoàn tất thủ tục theo quy định, chính quyền các địa phương cũng đã ra tay mạnh mẽ để dẹp bỏ tình trạng khai thác, tập kết cát sỏi trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, hơn 4 tháng trôi qua mà vẫn còn có những tổ chức, cá nhân ngang nhiên vi phạm.
Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trấn Yên, trong 2 ngày 28/1 và 31/1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái xử phạt 150 triệu đồng đối với ông Trần Mạnh Thắng do bị bắt quả tang đang khai thác trái phép; Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên ban hành 7 quyết định xử phạt 7 cá nhân có hành vi sử dụng đất để tập kết, kinh doanh cát sỏi trái phép với số tiền 161,25 triệu đồng và buộc các cá nhân vi phạm phải nộp lại số tiền thu lời bất chính là 115 triệu đồng. Tổng số tiền xử phạt và truy hồi số lợi bất chính là 426,25 triệu đồng. Đáng lưu ý là sau các quyết định xử phạt nói trên, phần lớn các cá nhân vi phạm khai thác, tập kết, kinh doanh cát sỏi trái phép trên địa bàn huyện Trấn Yên đã ngừng hoạt động, nhưng cũng mới chỉ có 2 trường hợp chấp hành nộp phạt với số tiền 90 triệu đồng.
Ngày 21/3/2019, khi trở lại xã Minh Quân, chúng tôi nhận thấy đa số các bãi tập kết cát đã tạm dừng hoạt động, nhưng vẫn còn hút cát từ tàu dưới sông lên bãi cát tại thôn Tiên Phong. Cùng lúc đó, máy xúc vẫn hối hả chuyển cát vào thùng xe, trong bãi có 3 xe tải đang chờ để vận chuyển cát. Theo người dân nơi đây, thời gian Tết Nguyên đán, các tàu hút cát tạm dừng hoạt động, đến nay một vài trường hợp đã hoạt động trở lại.
Ông Đào Hồng Quân, đang cắt cỏ ven đường cho biết: Thấy nói các bãi tập kết cát sỏi trái phép đã bị huyện xử phạt và đình chỉ hoạt động, còn bãi kia là của gia đình ông Lê Văn Hoa, người khai thác là cháu của gia đình ông ấy, vẫn hoạt động bình thường, chắc là họ được Nhà nước cấp phép. Khi được biết về trường hợp tập kết cát sỏi trái pháp luật của gia đình ông Hoa, ông Quân mới vỡ lẽ, chẳng thể ngờ được việc này đã ngang nhiên diễn ra như vậy.
Theo báo cáo của thành phố Yên Bái, trên địa bàn có 22 điểm tập kết kinh doanh cát sỏi, nhưng chỉ có 3 điểm được UBND tỉnh cho thuê đất, còn lại đều là những điểm tập kết, kinh doanh trái phép. Trước tình trạng này, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường tiến hành rà soát các đơn vị vi phạm trong hoạt động khai thác, tập kết kinh doanh cát sỏi trên địa bàn. Các xã, phường đã tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính đối với 23 cá nhân với số tiền 26.500.000 đồng. Công an thành phố Yên Bái cũng xử phạt 1 hợp tác xã khai thác cát sỏi 10 triệu đồng vì đã có hành vi khai thác cát nằm ngoài ranh giới mỏ được cấp phép.
Mặc dù đến thời điểm hiện nay, đa số các bãi tập kết cát sỏi trái phép dọc sông Hồng trên địa bàn thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên đã dừng hoạt động, nhưng không ít điểm tập kết trái phép vẫn còn một lượng cát lớn cùng lán trại, máy múc, máy ủi..., thậm chí có điểm lượng cát tập kết vẫn còn nguyên vẹn cát và máy móc thiết bị phục vụ mục đích kinh doanh cát, sỏi. Điển hình phải kể tới bãi tập kết cát sỏi của Công ty TNHH Mạnh Lâm tại xã Minh Quân, huyện Trấn Yên. Trước đó, chính quyền các xã đã yêu cầu các doanh nghiệp phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Khai thác, tập kết kinh doanh cát sỏi trái phép là một vấn nạn tại Yên Bái từ nhiều năm. Đến nay, vấn nạn đó đã lắng xuống, song dư luận cho rằng, con bài "án binh bất động" của "cát tặc" là thế: Khi chính quyền vào cuộc gắt gao, họ bảo nhau... tạm nghỉ. Ai dám chắc rằng "cát tặc" ở Yên Bái không hoành hành trở lại, nếu các cấp, các ngành liên quan không mạnh tay xử lý triệt để những hành vi vi phạm.