(Tin Môi Trường) - Ngày 23/ 3/ 2019, trong khuôn khổ Chiến dịch Giờ Trái đất 2019, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM tổ chức chương trình “Thử thách dọn rác” với sự tham gia của lực lượng hơn 100 Tình nguyện viên đến từ dự án “Năng lực xanh cho cộng đồng”.
Theo đó, các tình nguyện viên sẽ thực hiện đi thuyền dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để thực hiện thử thách là dọn rác trên hệ thống tuyến kênh này. Cũng theo thông tin từ Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TPHCM, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải công ty vớt trên hệ thống tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khoảng 10 tấn. Lượng rác này cũng tang 10 - 15%/năm. Phần lớn rác thải được thải bỏ vào kênh là rác thải sinh hoạt của các hộ dân sống dọc tuyến kênh nhỏ có kết nối dẫn ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Một phần khác do những người dân buôn bán vãng lai đã đổ thẳng rác xuống kênh.
Trên thực tế, từ nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM đã phối hợp với UBND TPHCM, Ban tổ chức Chiến dịch Giờ trái đất thực hiện rất nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân sống dọc tuyến kênh không thực hiện xả rác xuống kênh. Tuy nhiên, tình trạng vứt thẳng rác xuống kênh vẫn còn rất phổ biến. Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng và công nghệ môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị nhấn mạnh, rất nhiều trường hợp, công nhân công ty phải rất vất vả để vớt lượng lớn rác thải công nghiệp hoặc đồ nội thất có kích thước lớn bị vứt bỏ xuống kênh. Công ty phải sử dụng thiết bị chuyên dụng mới có thể vớt được loại rác thải trên.
Ở phạm vi rộng hơn, Ông Nguyễn Văn Hoà, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cho biết, hiện lượng chất thải trên địa bàn cả nước phát sinh khoảng 12,8 triệu tấn/năm. Tốc độ gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 12%. Tuy nhiên, lượng rác thải thu gom chỉ đạt khoảng 85,5% (đối khu vực đô thị) và 45,5% (khu vực nông thôn). Chưa hết, hiện có một số lượng lớn doanh nghiệp sản xuất ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp không ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho lượng rác thải đang bị thải bỏ tràn lan ra môi trường.
Bên cạnh đó, hiện phần lớn chất thải được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Cả nước đang tồn tại 660 bãi chôn lấp rác thải có diện tích trên 1ha nhưng chỉ có 25% trong số các bãi chôn lấp này đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh. Hệ quả là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng.
Không chỉ bị ô nhiễm do rác thải, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nói riêng và hệ thống kênh rạch thành phố còn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải sản xuất, y tế và sinh hoạt chưa qua xử lý, thải thẳng ra lênh. Tại TPHCM, khảo sát do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM năm 2018 cho thấy, TP có hệ thống kênh rạch chằng chịt len lỏi khắp 24 quận huyện, đây là khu vực tạo cảnh quan cho thành phố, đồng thời cũng là nguồn tiếp nhận nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng như sinh hoạt của người dân. Hiện nay, tổng lượng nước được khai thác, cấp sử dụng trên địa bàn thành phố vào khoảng 1.850.000 m3/ngày (lượng nước cấp là 1,2 triệu m3/ngày, nước ngầm khai thác khoảng 650.000 m3/ngày), tương ứng với lượng nước thải vào khoảng 1.750.000 m3/ngày. Còn với nước thải sản xuất, hiện chỉ mới kiểm soát một phần nước thải sản xuất (các nguồn thải lớn trên 1.000m3). Cụ thể, 18/18 KCX-KCN đều đã có nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung với lưu lượng xử lý bình quân 49.370 m3/ngày trên tổng công suất thiết kế là 75.300 m3/ngày. Riêng với cụm công nghiệp (CCN), có 2/3 cụm đã có hệ thống XLNT tập trung là CCN Nhị Xuân, cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân. Còn 13 Cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động trên địa bàn các quận 7, 8, 12, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn chưa có hệ thống XLNT tập trung.
Với nước thải y tế, thành phố có 114 bệnh viện, 196 phòng khám đa khoa tư nhân; 319 trạm y tế; 219 phòng khám bác sĩ gia đình và 5.663 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã được cấp phép. Hiện nay, 100% các bệnh viện, phòng khám đa khoa đều đã có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Tuy nhiên chất lượng nước thải sau xử lý của các đơn vị đôi khi chưa đảm bảo theo đúng quy chuẩn cho phép. Nước thải phát sinh từ các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đang được thống kê, kiểm tra để quản lý chặt chẽ đảm bảo hướng đến chỉ tiêu 100% nước thải y tế được thu gom xử lý.
Một vấn đề khác, ước tính hiện nay lưu lượng nước cấp cho sinh hoạt trên địa bàn thành phố là khoảng 1,2 triệu m3/ngày và lượng nước thải phát sinh tương ứng. Hầu hết, nước thải sinh hoạt của dân cư đều được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại trước khi thải ra ngoài. Trong khi đó, thành phố chỉ mới đầu tư 2 hệ thống XLNT tập trung với công suất 171.000 m3/ngày đêm xử lý khoảng 13,2% nước thải đô thị. Với lưu lượng xả thải khá lớn thì nước thải sinh hoạt cũng là nguồn ô nhiễm chính cho kênh rạch trên địa bàn thành phố.
Ở phạm vi toàn quốc, nguồn nước sạch Việt Nam đang bị đe doạ thiếu hụt nghiêm trọng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều khu vực dân cư. Một số khu vực, nước dưới có nguy cơ ô nhiễm arsen cao, nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng (có 792 xã) và đồng bằng sông Cửu Long (229 xã), vùng Bắc Trung Bộ (155 xã). Đặc biệt, nguồn nước ở hầu hết các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đều đã bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng (như lưu vực sông Nhuệ Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai- Sài Gòn) do nước thải từ các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, các đô thị không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn xả vào nguồn nước.
Trước thực trạng trên, Chương trình “Thử thách dọn rác” thực hiện trong khuôn khổ Chiến dịch Giờ trái đất 2019, các tình nguyện viên mong muốn gửi đến cộng đồng thông điệp bảo vệ môi trường hết sức mạnh mẽ - “Hãy ngừng xả rác và bảo vệ nguồn nước sạch”. Đó cũng chính là bảo vệ sự sống, sức khoẻ của mỗi chúng ta.