Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lễ phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2019

(18:19:35 PM 20/03/2019)
(Tin Môi Trường) - Lễ phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2019 với chủ đề: “Mặt Trời, Trái Đất và Thời tiết” (The Sun, the Earth and the Weather) sẽ được diễn ra vào ngày 23 tháng 3 năm 2019 tại Trạm Khí tượng Phù Liễn, phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng.

Lễ phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2019

Lễ phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2019 sẽ được diễn ra vào ngày 23 tháng 3 năm 2019 tại Trạm Khí tượng Phù Liễn, phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng.

 
Tại Lễ phát động sẽ truyền tải thông điệp của Tổng Thư ký Tổ chức khí tượng thế giới. Qua đó, phản ánh mục đích cốt lõi của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và vai trò thiết yếu của khí tượng thủy văn trong việc giám sát hệ thống Trái đất nhằm đưa ra dự báo thời tiết hàng ngày và tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách về sự thay đổi và biến đổi khí hậu. Trong quá trình đó, cộng đồng Tổ chức Khí tượng thế giới hỗ trợ các hành động nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản trước sự khắc nghiệt của thời tiết và xây dựng khả năng chống chịu khí hậu lâu dài.
 
Đối với Việt Nam, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, lượng nước mùa lũ chiếm tới 70 - 80% lượng nước cả năm và thường gây ra lũ lụt. Việt Nam có lượng bức xạ mặt trời rất lớn với số giờ nắng từ 1.400 - 3.000 giờ/năm, nhiệt bức xạ trung bình năm 100kcal/cm². Do ảnh hưởng của gió mùa và sự phức tạp về địa hình nên Việt Nam thường chịu tác động mạnh về thời tiết như bão, lũ lụt, hạn hán...
 
Từ những đặc thù điển hình về thời tiết khí hậu, mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn có lịch sử gần 120 năm và hiện nay vẫn luôn được quan tâm, phát triển với hơn 600 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, ra đa thời tiết, định vị sét,... và gần 800 trạm, điểm đo mưa. Mạng lưới trạm đã và đang từng bước được nâng cấp hiện đại hóa, tự động hóa phục vụ đo đạc, thu thập đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu KTTV phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo KTTV và giám sát biến đổi khí hậu. Đồng thời, ngành KTTV đã và đang áp dụng những thành tựu mới của nhân loại trong lĩnh vực công nghệ thông tin để phục vụ truyền tin và áp dụng cho hệ thống tính toán phục vụ dự báo như: Hệ thống mạng LAN, Internet trong nội bộ, truyền tin vệ tinh, GPRS đến hệ thống máy tính hiệu năng cao, siêu máy tính mini,...
 
Công nghệ dự báo KTTV được thực hiện theo hướng mô hình hóa, tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực dự báo thời tiết, dự báo thủy văn và dự báo hải văn với hệ thống mô hình dự báo hiện đại trên thế giới như của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu,… được cải tiến, phát triển cho phù hợp với Việt Nam trong dự báo bão, dự báo mưa lớn,  dự báo lũ, cảnh báo lũ quét, dự báo sóng biển, nước dâng do bão hay gió mùa.
 
Những nỗ lực phát triển của ngành KTTV đã bước đầu đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo; góp phần quan trọng làm giảm 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra (số liệu năm 2018 so với năm 2017). Uy tín ngành KTTV Việt Nam đối với quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã duy trì hiệu quả hoạt động hỗ trợ các nước Đông Nam Á (nhất là Lào và Cam Pu Chia) trong cảnh báo thời tiết nguy hiểm được Tổ chức Khí tượng thế giới công nhận là một trong những mắt xích quan trọng trong dự báo KTTV ở khu vực.

 THÔNG ĐIỆP NGÀY KHÍ TƯỢNG THẾ GIỚI NĂM 2019 

của ông Petteri Taalas - Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới

 

 Lễ phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2019
 
Mặt trời cung cấp năng lượng cho toàn bộ sự sống trên Trái đất. Mặt trời điều khiển các chu trình thủy văn, các dòng hải lưu và Thời tiết. Mặt trời định hình cảm xúc và hoạt động của chúng ta mỗi ngày. Và cũng chính Mặt trời là nguồn cảm hứng bất tận cho âm nhạc, nhiếp ảnh và nghệ thuật.
 
Cách Trái đất gần 150 triệu km, Mặt trời là trái tim của hệ mặt trời, giữ cho hành tinh của chúng ta ấm áp để các sinh vật có thể phát triển mạnh mẽ. Hơn 4,5 tỷ năm qua, quả cầu plasma rực rỡ này là nguồn năng lượng vô tận dành cho vòng quay của sự sống, khí hậu và thời tiết trên Trái đất.
 
Các dữ liệu vệ tinh trong hơn 30 năm qua cho thấy năng lượng Mặt trời cung cấp cho Trái đất không hề gia tăng trong thời gian gần đây, và vì thế, sự nóng lên của Trái đất không thể là do hoạt động của Mặt trời.
 
Khí nhà kính được coi là nguyên nhân làm cho đại dương ấm lên và gây ra hiện tượng băng tan ở các cực. Từ năm 1990, các khí nhà kính này đã làm gia tăng 41% tổng bức xạ - nhân tố gây ra quá trình nóng lên toàn cầu, ảnh hưởng đến khí hậu trên toàn Trái đất. Trong đó, khí các-bon-nic chính là nguyên nhân của khoảng 82% lượng bức xạ gia tăng trong thập kỷ vừa qua. Năm 2017, khí các-bon-nic đã đạt mức 405,5 phần triệu và đang tiếp tục tăng cao hơn nữa.
 
Nếu nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng với xu hướng hiện tại, thì nhiệt độ Trái đất có thể tăng từ 3°C đến 5°C vào cuối thế kỷ này. Điều này vượt xa mục tiêu của Thỏa thuận Paris của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, cố gắng giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới mức 2°C, hay hơn nữa, càng gần đến mức 1,5°C thì càng tốt.
 
Biến đổi khí hậu đã tạo ra những đợt nắng nóng và nhiệt độ cao kỷ lục ở phạm vi địa phương cũng như ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Các hiện tượng sóng nhiệt bắt đầu sớm hơn, kết thúc muộn hơn, xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu.
 
Các mô hình khí hậu dự đoán nhiệt độ trung bình sẽ tăng trên hầu hết các châu lục và đại dương; nắng nóng cực đoan xảy ra thường xuyên hơn tại những nơi con người sinh sống; các hiện tượng cực đoan khác như mưa lớn và hạn hán xuất hiện với tần suất nhiều hơn ở một số khu vực trên thế giới. Sự nóng lên toàn cầu kéo theo rủi ro ngày càng gia tăng liên quan đến khí hậu đối với sức khỏe, sinh kế, an ninh lương thực, cấp nước, an ninh con người và tăng trưởng kinh tế.
 
Ngay cả trong điều kiện Thời tiết nhiều mây, Mặt trời cũng có thể cung cấp một nguồn năng lượng thay thế các nguồn năng lượng khác. Năng lượng Mặt trời đang được sử dụng ngày càng phổ biến trên toàn thế giới để sản xuất điện năng, sưởi ấm hoặc lọc nước biển thành nước ngọt.
 
Bởi vậy, hiểu được cách thức Mặt trời ảnh hưởng đến Thời tiết và khí hậu như thế nào là nhiệm vụ cốt lõi của Tổ chức Khí tượng thế giới trong sứ mệnh xây dựng các cộng đồng có sức chống chịu với khí hậu.
 
Bằng cách tiếp cận tổng hợp toàn bộ hệ thống tự nhiên xung quanh Trái đất, cộng đồng Tổ chức Khí tượng thế giới sẽ tạo ra các sản phẩm khoa học và dịch vụ tốt nhất có thể để hỗ trợ các quốc gia về Thời tiết, khí hậu, thủy văn, đại dương và môi trường.
BTV - Tin nhanh Môi trường Việt Nam