Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nếu thế giới không còn côn trùng…

(13:55:58 PM 09/03/2019)
(Tin Môi Trường) - Côn trùng nhiều vô số, không dễ thấy và khó theo dõi, việc chúng đang biến mất chủ yếu ở cảm nhận nhiều hơn là các bằng chứng khoa học. Chúng ta từng thấy chúng bên bờ kênh, trong sân nhà hay dưới ánh đèn đường - nhưng giờ hầu như chúng không còn ở đó nữa. Nếu côn trùng lặng lẽ biến mất, chúng sẽ mang theo cùng sự phong phú đa dạng đã làm nên Trái đất và khiến hành tinh của chúng ta biến đổi theo những cách không thể lường trước.

  Nếu thế giới không còn côn trùng…

Ảnh: New York Times
 
Nói không ngoa, bọ, côn trùng là những động vật hoang dã gần gũi nhất với con người. Đấy là những con nhện (nhện, không như nhiều người lầm tưởng, không phải là côn trùng, mà là động vật chân đốt) trong nhà tắm, kiến trong bếp, ve/bọ chét trên chó mèo... Nhưng đồng thời chúng tạo thành một trong những thế giới bí ẩn lớn nhất trên Trái đất và chúng ta hiểu về chúng rất ít.
 
Thiếu nghiên cứu
 
Các nhà khoa học đã xác định có 12.000 loài kiến, gần 20.000 loài ong, gần 400.000 loài bọ cánh cứng. Một khoảng đất tốt có thể là nơi cư trú của 200 loài côn trùng khác nhau với những vai trò khác nhau. Nhưng tất cả sự đa dạng tuyệt vời này mới đại diện cho 20% sự đa dạng thực sự của côn trùng trên hành tinh - có hàng triệu hàng triệu loài hoàn toàn chưa được khoa học biết đến.
 
Trước đây, không ai nghĩ côn trùng có thể bị biến mất. Do đó, các nhà côn trùng học đã tập trung nghiên cứu về chu kỳ sống và phân loại côn trùng, chứ ít người nghĩ đến việc đếm số lượng côn trùng. Một nghiên cứu theo dõi số lượng là công việc tốn thời gian và tẻ nhạt: phải đặt và kiểm tra bẫy, chờ nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ để dữ liệu trở nên có ý nghĩa. Quan trọng hơn hết, ai sẽ trả tiền đây? Vì vậy, nghiên cứu về côn trùng không nhiều.
 
Một trong những nỗ lực toàn diện nhất được thực hiện mới đây là của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Đan Mạch, với sự tham gia phối hợp của các đại học Copenhagen, Aarhus (Đan Mạch) và North Carolina (Mỹ). Khi bắt tay vào việc, các nhà khoa học mới kinh ngạc nhận ra chưa từng có nghiên cứu nào về số lượng các loài côn trùng trước đây làm nền tảng cho họ.
 
“Chúng ta nhìn thấy hàng trăm loài côn trùng và tưởng thế là ổn, nhưng sẽ ra sao nếu chỉ hai thế hệ trước thôi số lượng lên tới hàng trăm ngàn loài?” - Rob Dunn, nhà sinh thái học của Đại học bang North Carolina, đặt vấn đề.
 
Những dữ liệu ít ỏi hiện có báo động về sự biến mất rất nhanh của công trùng. Ở Anh, 30-60% loài côn trùng đang giảm số lượng với tỉ lệ trung bình 45%, theo một nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí Science. Các nhà côn trùng học biết rằng biến đổi khí hậu và sự suy thoái của môi sinh trên toàn cầu là tin xấu cho đa dạng sinh học nói chung. Côn trùng còn bị đe dọa bởi thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, sự biến mất các đồng cỏ, việc phá rừng do sự mở rộng không gian sống của con người.
 
Những nghiên cứu trên các sinh vật khác như cá cũng xác nhận các loài côn trùng trong chuỗi thức ăn đã suy giảm. Ở Pháp, 80% số gà gô đã biến mất, số lượng chim sơn ca và chim bồ câu Úc giảm 50-80%.
 
Một nửa số loài chim phổ biến ở các vùng nông nghiệp châu Âu biến mất chỉ trong ba thập kỷ. Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng thủ phạm là do môi trường bị tàn phá, nhưng sau đó họ đặt vấn đề có thể những con chim bị đói ăn. Tuy nhiên, do “không có số liệu mang tính định lượng về côn trùng, vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ” - Hans de Kroon, nhà sinh thái học tại Đại học Radboud ở Hà Lan, xác nhận.

Bằng chứng bất ngờ
 
Một nhóm người đam mê côn trùng học hoàn toàn nghiệp dư ở thành phố Krefeld, Đức đã dành rất nhiều thời gian thu thập mẫu trong các khu bảo tồn thiên nhiên ở Đức từ những năm 1900. Họ sử dụng cùng một phương pháp tạo và thu bẫy từ năm 1982 tại cùng một vị trí trong các khu bảo tồn thiên nhiên và lưu tất cả các mẫu thu được. Hàng nghìn lọ đựng côn trùng được xếp trong một căn phòng, cho đến một ngày họ bỗng nhận thấy số côn trùng trong lọ ít đi theo thời gian.
 
Đến năm 2013, những người yêu côn trùng ở Krefeld xác nhận thực tế số côn trùng họ bẫy được trong các khu bảo tồn đã giảm gần 80% so với số bắt được ở cùng địa điểm vào năm 1989. Phân tích mẫu thu được ở các địa điểm khác cho kết quả tương tự. Ở nơi mà 30 năm trước họ cần lọ 1 lít để đựng mẫu bắt được trong một tuần, thì nay chỉ cần lọ nửa lít.
 
Với số mẫu khổng lồ tích lũy được, để phân loại hết các loài côn trùng, một đội ngũ những nhà côn trùng học có trình độ đồng đều nhau cũng phải làm trong nhiều năm. Vì vậy, Hội những người yêu côn trùng Krefeld quyết định cân trọng lượng côn trùng trong các lọ đựng mẫu.
 
Họ hợp tác với các nhà khoa học ở Đại học Radboud, Hà Lan để phân tích dữ liệu, loại trừ ảnh hưởng của cây cối xung quanh, điều kiện thời tiết và mật độ rừng với sự dao động của số lượng côn trùng thu thập được và đi đến kết luận: “Không chỉ những loài dễ tổn thương, mà toàn bộ các loài côn trùng bay đều giảm số lượng trong vài thập niên qua”.
 
Thế giới đang bị tổn thất nặng về đa dạng sinh học. Một cuộc tuyệt chủng thứ sáu đang diễn ra, sau năm cuộc tuyệt chủng lớn trước đó, khi số lượng lớn thế hệ sau của các loài biến mất nhanh bất thường, không phải bởi tiểu hành tinh hay băng hà, mà do con người.
 
Giống như câu chuyện về dòng sông Mekong đầy cá của một thời không xa khi ông cha khai khẩn Nam Bộ, ở Âu Mỹ từng có tài liệu ghi chép là vùng biển bắc Đại Tây Dương từng có những đàn cá tuyết lớn tới mức cản trở hành trình của một con tàu vượt đại dương.
 
Hay ngoài khơi Sydney, Úc, một con tàu chạy từ trưa đến khi mặt trời lặn mà vẫn chưa qua được một vùng biển đầy tinh trùng cá voi. Trên biển Thái Bình Dương, cá hồi nhảy tung tóe suýt làm lật canô của những người đi biển. Sư tử biển từng ở miền nam nước Pháp, hải mã ở cửa sông Thames, những đàn chim lớn bay qua đầu người dưới mặt đất mất đến ba ngày ở châu Âu...
 
Tất cả không phải là chuyện viễn tưởng hay tồn tại từ thời nguyên thủy hay kỷ băng hà. Nó là một thời không xa, được nhìn thấy bằng mắt và ghi nhớ trong ký ức của con người.
 
 Nếu thế giới không còn côn trùng…
Ảnh: Artstation
 
Khi côn trùng biến mất
 
Nhiều loài sinh vật đang biến mất. Chim cánh cụt hoàng đế lớn nhất thế giới đã giảm 88% trong 35 năm, hơn 97% cá ngừ vây xanh đã biến mất, 93% hổ không còn trên Trái đất. Các loài động vật lớn kết nối, dịch chuyển năng lượng và tài nguyên giữa các hệ sinh thái thông qua cuộc sống của chúng: di chuyển, ăn, bài tiết và chết. Sự biến mất của chúng gây ra hậu quả dây chuyền, sự sụp đổ ở các mức độ khác nhau trong chuỗi thức ăn và sự cân bằng của tự nhiên. Thế giới mà chúng ta từng sống sẽ hoang vắng hơn, bớt phong phú hơn theo hàng ngàn cách.
 
Nhưng như ánh chiều tà dần buông xuống, sự biến mất của 80% các loài động vật không quý, không hiếm, không bị đe dọa tuyệt chủng khó nhận ra. Một nghiên cứu đăng năm 2018 trong kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ kết luận: Nếu gộp chung các loài động vật có vú theo cân nặng, 96% sinh khối là con người và gia súc, chỉ có 4% là động vật hoang dã. Có thể loài người sẽ bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới - kỷ nguyên của sự cô đơn.
 
Trong bối cảnh đó, sự biến mất của côn trùng càng đáng báo động. Côn trùng vốn thường được nhắc đến khi nói về đa dạng sinh học, vì chúng là “những sinh vật nhỏ bé đang vận hành thế giới tự nhiên”. Hàng tỉ con côn trùng thụ phấn cho 3/4 mùa màng loài người trồng trọt.
 
Nhờ đó, giá trị nông sản toàn thế giới đạt 500 tỉ USD mỗi năm. Đó là chưa kể 80% cây và hoa dại cũng thụ phấn nhờ côn trùng. Nếu không có những người thợ chăm chỉ này, như ở thung lũng Mậu Huyện, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc chẳng hạn, người ta phải thuê nông dân đi thụ phấn các cây táo với giá 19 USD một ngày công.
 
Côn trùng còn giúp phân hủy các chất hữu cơ, làm đất tơi xốp, giúp cây cối nảy mầm và toàn bộ hệ sinh thái vận hành. Vai trò của chúng, tiếc thay, phần lớn là vô hình cho đến lúc, đột nhiên, điều này trở nên hữu hình. Một ví dụ nữa là khi mới đưa bò vào chăn nuôi ở Úc hồi thế kỷ 19, các chủ trang trại gặp rắc rối vì phân bò mất hàng tháng, có khi hàng năm, mới phân hủy.
 
Bò không chịu ăn ở những nơi hôi thối, khiến họ cần nhiều đồng cỏ hơn, trong khi ruồi nhặng khắp nơi và tình trạng vệ sinh rất tồi tệ. Mãi đến năm 1951, một nhà côn trùng học phát hiện: những con côn trùng bản địa không xử lý được phân bò. Trong 25 năm sau đó, việc nhập khẩu, kiểm dịch và thả bọ hung trở thành một ưu tiên quốc gia ở Úc. Ở Mỹ, bọ hung cũng tiết kiệm cho các chủ trang trại khoảng 380 triệu USD một năm.
 
Chúng ta đơn giản không biết hết mọi thứ côn trùng làm.
 
Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu côn trùng biến mất hoàn toàn, David Wagner, nhà côn trùng học của Đại học Connecticut, đã dùng các từ: hỗn loạn, sụp đổ, tận thế và mô tả Trái đất là nơi không còn những bông hoa và những khu rừng, thế giới đầy phân, lá rụng và gia súc thối rữa, một thế giới “sụp đổ và đang phân hủy... sự mất mát lan khắp hệ sinh thái, từ động vật ăn thịt đến thực vật”.
Ở Mỹ, các nhà khoa học gần đây phát hiện số lượng bướm chúa đã giảm 90% trong 20 năm qua, khoảng 900 triệu con. Loài ong, từng sống ở 28 bang, giảm 87% số lượng trong cùng thời gian.
HỒNG VÂN (THEO NEW YORK TIMES)