(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 27/2, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản đã phối hợp tổ chức hội thảo Đối tác Công – Tư Việt Nam – Nhật Bản về công nghệ năng lượng sạch tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong chuỗi “Kế hoạch hành động toàn cầu hướng tới nền kinh tế ít carbon” của Nhật Bản triển khai để hỗ trợ các nước thành viên ASEAN.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, năng lượng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia và là yếu tố không thể thiếu của tất cả các ngành kinh tế. Mức độ tiêu thụ năng lượng luôn có xu hướng tăng lên nhất là tại các nước đang phát triển. Điều này đã tác động đến biến đổi khí hậu toàn cầu và suy giảm nguồn tài nguyên năng lượng.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, hệ thống năng lượng của Việt Nam hiện nay đã phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng được của nhu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội và người dân. Đến cuối năm 2018, hệ thống điện của Việt Nam xếp thứ 2 trong tổng số 10 nước Đông Nam Á, xếp thứ 23 trên thế giới về công suất hệ thống điện. Đến nay, Việt Nam đã đạt gần 50.000 MW.
Nhiều năm qua, Việt Nam cơ bản đã đáp ứng cơ bản điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội với tốc đô phát triển kinh tế nhanh, trên 10% một năm. Điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề không nhỏ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước như môi trường bị ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên...
Chính những thách thức đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để hạn chế, nhưng vẫn phải đảm bảo hệ thống điện phát triển đáp ứng sự phát triển của đất nước.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, đến cuối 2018, tổng công suất nhà máy thuỷ điện đạt 22.000 MW. Công suất nhà máy điện mặt trời, gió vào cuối 2019 dự kiến tương ứng đạt 1000 MW điện mặt trời, 1500 MW điện gió.
Mức dự kiến từ thực tế này vượt mức mục tiêu đặt ra được Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2016 và dự kiến năm 2020 sẽ đạt 800 MW điện gió và 850 MW điện mặt trời.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, với cơ chế giá hấp dẫn, hiện nhiều nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào dự án điện gió và mặt trời của Việt Nam. Bộ Công Thương đã nhận được nhiều đề xuất phát triển điện gió và điện mặt trời.
Tuy nhiên từ 1/1/2019, Luật Quy hoạch mới của Việt Nam mới đi vào hiệu lực nên Bộ Công Thương đang đợi văn bản hướng dẫn của Chính phủ, hy vọng trong quý 1/2019 sẽ có Nghị định hướng dẫn của Chính phủ để các nhà đầu tư sẽ được tiếp tục triển khai. Từ đó, số lượng các dự án điện gió vào năm 2020 và 2021 sẽ nhiều hơn nữa, nhiều khả năng vượt mốc 20% trong năm 2030 mà Chính phủ đặt ra.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng chỉ ra, việc phát triển năng lượng sạch hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định như không ổn định, khả năng giải toả công suất thấp vì không phải chỗ nào cũng xây dựng được. Hơn nữa, việc chỉ tập trung nhiều dự án ở một số địa điểm sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành hệ thống điện.
Mặt khác, việc phát triển năng lượng tái tạo cũng làm tăng chi phí hệ thống và tăng giá điện đến người tiêu dùng. Vì thế, Bộ Công Thương đang tích cực làm việc với cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp để triển khai hiệu quả hơn.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn mà vẫn đảm bảo trong an toàn, ổn định trong vận hành hệ thống điện. Về cơ cấu điện hợp lý như cơ khí, điện than, Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả về lâu dài với chi phí hợp lý, đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước.
Đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghệ (METI), ông Daisuke Okabe, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định: “Hoạt động giữa 2 nước trong lĩnh vực năng lượng, Bộ METI Nhật Bản cùng Bộ Công Thương Việt Nam đã tiến hành nhiều hội đàm cấp bộ trưởng. Đặc biệt, tháng 11/2017, hai Bộ đã ký kết biên bản ghi nhớ về năng lượng sạch.
Theo ông Daisuke Okabe, những hoạt động triển khai được giới thiệu trong hội thảo hôm nay là thành quả trong lĩnh vực năng lượng. Vì thế, ông Daisuke Okabe mong muốn đây là nơi tạo ra quan hệ mới nhiều hoạt động công nghiệp carbon thấp, thúc đẩy quan hệ hợp tác trong khối tư nhân.
Ông Daisuke Okabe cho biết, trọng tâm tiêu thụ năng lượng đang dịch chuyển sang châu Á; trong đó, có Việt Nam nên việc triển khai đang ngày càng có hiệu quả hơn và Việt Nam sẽ phát huy chuyển đổi năng lượng.
Tại hội thảo, các chuyên gia và diễn giả đã tập trung trao đổi và thảo luận về các nội dung về tổng quan về ngành năng lượng và các chính sách biến đổi khí hậu; công nghệ thông minh trong ngành năng lượng tái tạo; công nghệ thông minh về sử dụng năng lượng hiệu quả...