Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kon Tum: Đường 543 tỉ đồng vừa hết hạn bảo hành thì... hỏng!

(12:44:34 PM 25/02/2019)
(Tin Môi Trường) - Chủ đầu tư cho rằng công trình đoạn đường tránh qua đèo Măng Rơi dài 15 km, kinh phí 543 tỉ đồng hư hỏng do... thiên tai (!?)

UBND tỉnh Kon Tum vừa yêu cầu Sở Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tu Mơ Rông kiểm tra, khắc phục những vị trí sạt lở tại đường tránh đèo Măng Rơi, huyện Tu Mơ Rông. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị rà soát nguồn kinh phí khắc phục thiên tai đã được bố trí cho huyện, đề xuất kinh phí, giải pháp nhằm khắc phục hư hỏng.

 
Không thể lưu thông
 
Đèo Măng Rơi nằm trên con đường nối huyện nghèo Tu Mơ Rông với Quốc lộ 14. Đoạn này có độ dốc lớn, đường nhỏ, nhiều khúc cua nguy hiểm nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Để khắc phục, năm 2015, huyện Tư Mơ Rông đầu tư làm tuyến đường tránh qua đèo Măng Rơi dài 15 km với tổng kinh phí hơn 543 tỉ đồng. Công ty Tuấn Dũng và một công ty khác cùng liên danh thi công.
 
Tháng 7-2016, công trình đưa vào sử dụng và đến tháng 7-2017 thì hết hạn bảo hành. Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn bảo hành không lâu, đến tháng 10-2018, công trình bắt đầu hư hỏng nặng buộc người lưu thông phải quay lại con đường cũ.
 
Kon Tum: Đường 543 tỉ đồng vừa hết hạn bảo hành thì... hỏng!

Kon Tum: Đường 543 tỉ đồng vừa hết hạn bảo hành thì... hỏng!
Đường tránh đèo Măng Rơi mới đưa vào sử dụng không lâu, nay đã nứt toác
 
Toàn đoạn đường này có hàng chục điểm sạt lở, hư hỏng. Tại 2 điểm sạt lở lớn, hàng chục ngàn mét khối đất đá đổ ập từ taluy dương làm vùi lấp hết mặt đường. Đáng lo hơn, trên ngọn núi taluy dương đang có biểu hiện sạt lở tiếp. Đất đá nằm mấp mô, chỉ cần có mưa là đổ ập tiếp. Để tạm qua đây, người dân phải liều mình cho xe máy đánh đu trên những con đường đất đã được mở tạm cạnh taluy âm để đi. Riêng ôtô không thể đi được.
 
Tại đoạn đường hư hỏng, lớp nhựa đã bị gãy, đứt và đang tiếp tục bị cuốn về phía taluy âm. Có vị trí hư hại đến hơn nửa mặt đường nhựa. Có chỗ hư hỏng hình thành "hố tử thần". Nhiều điểm khác cũng đã xuất hiện những vết nứt rộng, dài. Ngành chức năng đánh giá toàn bộ diện tích bị hư hỏng khoảng 300 m2.
 
Ngoài ra, một số đoạn sạt lở làm vùi lấp mặt đường đã được khắc phục nhưng rồi lại hư hỏng tiếp. Từng khối bê-tông làm hàng chắn bên taluy dương bị gãy đổ nhưng chỉ còn trơ mấy cây sắt bé như... chiếc đũa!
 
Tại các vị trí sạt lở, mặt đường gãy đứt hình thành "hố tử thần" nhưng lại không thấy lắp biển cảnh báo. Những vị trí này ngay khúc cua rất nguy hiểm. Trong khi đó, đường hư từ nhiều tháng nhưng không ai chịu trách nhiệm duy tu, sửa chữa.
 
Có mặt tại đây, phóng viên ghi nhận số người qua con đường tránh rất ít, chủ yếu là người dân có rẫy trên đèo. Một số người cho hay do đường tránh đèo hư hỏng nhiều, sợ sẽ sạt lở tiếp, nguy hiểm đến tính mạng nên buộc lòng quay về đường đèo cũ.
 
Lỗi do... thiên tai (?)
 
Công trình mới hết hạn bảo hành không lâu thì gần như bị "tê liệt", phương tiện không thể lưu thông nhưng phía chủ đầu tư cho rằng việc thiết kế, thi công đều bảo đảm. Con đường hư hỏng nghiêm trọng là lỗi do... thiên tai!
 
Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết các vị trí sạt lở trên đèo xảy ra vào tháng 10-2018. Huyện cũng đã kiểm tra và thống kê thiệt hại. Tuy nhiên, chưa thể sửa đường do khối lượng hư hỏng quá lớn, trong khi nguồn kinh phí của UBND huyện không đủ.
 
Trước những nghi ngại về chất lượng công trình không bảo đảm, ông Ngô Văn Cường, Phó Ban Phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tu Mơ Rông (đại diện UBND huyện làm chủ đầu tư), thừa nhận một số điểm bị hư hỏng trước đó đã xảy ra sạt nhưng sửa xong thì lại hư tiếp, đúng như phóng viên ghi nhận.
 
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng nhưng vị trí đó nền đất yếu nên biện pháp duy nhất là nếu sạt thì hốt cho đến khi ổn định thì thôi!
 
"Đơn vị thi công đã thi công đúng thiết kế, còn đường sạt lở và hư do mưa, thiên tai làm hư mà thôi. Sau khi hư hỏng, cơ quan chức năng đi kiểm tra xác định thế rồi" - ông Cường nói và cho biết để khắc phục, cần có 20-30 tỉ đồng. Trước mắt, huyện sẽ lên danh mục sửa chữa để xin ý kiến tỉnh phê duyệt. Nếu sửa thì sẽ tiến hành vào quý II/2019.
 
Phóng viên hỏi vì sao tại các vị trí hư hỏng nặng không gắn biển báo cho dân biết mà tránh, ông Cường nói: "Có lắp nhưng được thời gian thì bị lấy trộm mất".
(Hoáng Thanh/NLĐ)