(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã đệ trình các đề xuất lên hội nghị các nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nhằm tìm kiếm sự ủng hộ trong việc tăng cường bảo vệ một số loài rùa, cá cóc, thạch sùng một mí và cá cóc sần-hiện đang bị đe doạ do nạn buôn bán quốc tế thú cưng tăng cao và đáp ứng thị trường tiêu thụ thực phẩm “độc, lạ” của dân Châu Á.
Hội nghị các nước thành viên CITES sẽ diễn ra tại thủ đô Cô lôm bô của Sri Lan ca từ 23 tháng 5 đến 3 tháng 6 năm 2019. Các đề xuất của Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc đấu tranh với nạn buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã. Các nước thành viên trên toàn thế giới cũng đã đệ trình nhiều đề xuất nhằm tăng cường hoặc nới lỏng việc bảo vệ 152 loài động vật hoang dã bị ảnh hưởng nặng nề từ vấn nạn buôn bán thương mại quốc tế.
Một đề xuất đáng chú ý của Israel tìm kiếm sự bảo vệ đối với loài voi ma mút – loài đã bị tuyệt chủng cách đây cả 10.000 năm – nhằm ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của loài anh em họ của voi ma mút- Voi Châu phi.
Bà Thẩm Thị Hồng Phượng, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Quốc tế Đối xử Nhân đạo với Động vật (HSI) tại Việt Nam cho hay: “Buôn bán quốc tế bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã trong đó có voi, tê giác, tê tê đe doạ sự sinh tồn của loài; khiến nhiều quần thể voi, tê giác, tê tê tại Châu Phi và Châu Á bị suy giảm nghiêm trọng, đó là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ việc tăng cường bảo vệ các loài nguy cấp và thúc đẩy nỗ lực của các quốc gia nhằm xoá bỏ nạn buôn lậu động vật hoang dã. Sáu đề xuất của Việt Nam nhằm bảo vệ các loài bò sát và lưỡng cư tự nhiên khỏi vấn nạn nuôi thú cưng và nhu cầu sử dụng thực phẩm” độc lạ”, là một tín hiệu cho thấy Việt Nam rất quan tâm đến việc bảo tồn loài và muốn đóng một vai trò quan trọng cùng các nước khác đấu tranh với nạn buôn lậu các loài hoang dã.”
Việt Nam muốn tăng cường bảo vệ cho 13 loài thạch sùng, 13 loài cá cóc và nhiều loài cá sần mà hiện là những loài mục tiêu cho trào lưu nuôi thú cưng khởi đầu từ những năm 1990. Nhu cầu tăng nhanh từ các nước Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đối với các loài hiếm này cộng với lợi nhuận khổng lồ đã và đang tạo ra động lực cho những kẻ săn trộm và đẩy các loài này đến bờ vực tuyệt chủng. Các đề xuất của Việt Nam bao gồm:
•Ba đề xuất đề nghị đưa ba loài từ phụ lục II sang phụ lục I gồm: Rùa hộp Việt Nam, Rùa Trung Bộ và Rùa hộp bua-rê (tên khác là rùa hộp trán vàng).
•Ba đề xuất chung với Trung Quốc và Liên minh Châu Âu đề nghị đưa những loài sau vào phụ lục II của CITES:
-13 loài Thạch sùng chi Gnoiuroseurus phân bố tại Việt Nam và Trung Quốc trong đó có 3 loài đặc hữu của Việt Nam: thạch sùng mí Cát Bà; thạch sùng mí Hữu liên và thạch sùng mí lichtenfer;
-13 loài cá cóc chi Paramesotriton phân bố ở Việt Nam và Trung Quốc, bao gồm một loài cá cóc nổi tiếng tìm thấy lần đầu tại vườn quốc gia Tam Đảo- cá cóc Tam đảo (Paramesotriton deloustali);
-Cá cóc sần giống Tylototriton gồm nhiều loài phân bố trong khu vực Đông Nam á và Trung Quốc, trong đó có các loài đặc hữu của Việt Nam như cá cóc sần Việt Nam (Tylototriton vietnamensis).
Một số loài khác gây được sự chú ý trong chương trình nghị sự của hội nghị CITES lần này bao gồm hươu cao cổ mà quần thể hoang dã của chúng đã giảm tới 40% trong 30 năm qua do mất đi môi trường sống và nạn săn trộm; cá mập Mako bị đe dọa bởi nạn buôn bán vây cá mập ở Châu Á, kỳ đà Sri Lan ca bị đe dọa bởi trào lưu nuôi thứ cưng “đẹp” và “độc”, cá Guitar khổng lồ và 10 loài cá đuối đang suy giảm do nạn đánh bắt quá mức, và đề xuất của Namibia về việc nới lỏng việc buôn bán tê giác trắng Phương Nam và Eswatini (trước đây là Swaziland) lại tiếp tục đề nghị cho pháp buôn bán sừng tê giác.
Các chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã của HSI, sẽ tham tham gia hội nghị CITES lần thứ 18 tại Sri Lanka, đề nghị các quốc gia nên xem xét lại các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã trước nạn buôn bán không bền vững đang đẩy các loài đến bờ vực tuyệt chủng.
Bà Kitty Block, chủ tịch HSI cho biết: “Mỗi ngày, các hoạt động do con người gây ra như mất môi trường sống, săn bắt trộm, buôn bán vì mục đích thương mại và biến đổi khí hậu đang đẩy các loài hoang dã quý hiếm trên hành tinh của chúng ta đến bờ tuyệt chủng. Chúng ta không nên thoả mãn với thành quả đạt được trong công tác bảo tồn các loài hoang dã, vì vậy, chúng tôi hoan nghênh các đề xuất của CITES nhằm thiết lập hoặc tăng cường các biện pháp bảo vệ mới. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia tăng cường tính hiệu quả của công tác bảo tồn nhằm đảm bảo các điều khoản hạn chế các tác động xấu được thiết lập sớm trước khi quá muộn.
Đối với những kẻ buôn lậu ngà voi, khai thác sản phẩm từ voi ma mút đã tuyệt chủng là một “thủ đoạn” tinh vi đẩy loài voi vào tình thế khó khăn, giờ là lúc các quốc gia châu Phi và tất các các quốc gia khác cần đoàn kết trong cuộc chiến chấm dứt nạn săn trộm và đảm bảo rằng các thị trường buôn bán ngà voi đều bị đóng cửa. Hươu cao cổ cũng nằm trong danh sách đặc biệt quan tâm của chúng tôi, chúng hiện đã biến mất khỏi 7 quốc gia và hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng với quần thể hoang dã hiện nay chỉ dưới 100.000 cá thể. Bây giờ là lúc phải hành động trước khi chúng ta mất loài này mãi mãi.”
Nói về hội nghị CITES lần này, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc cơ quan Quản lý CITES Việt Nam nhấn mạnh: “Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ, chung tay cùng thế giới xoá bỏ vấn nạn buôn bán ngà voi, sừng tê giác và các loài động vật khác.
Cụ thể, trong năm 2018, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã điều tra, bắt giữ, khởi tố hàng chục vụ buôn bán trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác với khối lượng lớn, tịch thu hàng trăm cá thể tê tê và nhiều cá thể động vật hoang dã nguy cấp khác. Tại hội nghị các nước thành viên sắp tới, chúng tôi mong muốn các đề xuất của Việt Nam được thông qua toàn bộ để giúp Việt Nam trong việc bảo vệ các loài bò sát, đặc biệt các loài rùa, lưỡng cư đặc hữu khỏi nạn buôn trái pháp luật trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát buôn bán quốc tế các mẫu vật động vật hoang dã nguy cấp theo quy định của CITES.”
CITES đưa ra 3 cấp độ bảo tồn và các đề xuất thường hướng tới việc bổ sung các loài không nằm trong phụ lục vào Phụ lục, tăng cường hoặc nới lỏng mức độ bảo vệ giữa phụ lục I (kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn buôn bán quốc tế các mẫu vật vì mục đích thương mại) và phụ lục II (cho phép buôn bán thương mại trong các điều kiện chặt chẽ).
Các đề xuất nổi bật của hội nghị CITES sắp tới bao gồm:
•Voi Châu Phi: Các quốc gia gồm Burkina Faso, Bờ biển Ngà, Gabon, Kenya, Liberia, Nigeria, Sudan, Syria và Toga đã đề trình đề xuất chuyển các quần thể voi Botswana, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe từ Phụ lục II lên Phụ lục I để được bảo vệ nghiêm ngặt nhất theo công ước CITES trước mối đe dọa hiện hành do (i) nhu cầu không bền vững từ việc buôn bán ngà voi, (ii) tác động nghiêm trọng đến quần thể nguồn tại các nước mà voi phân bố và (iii) sự không nhất quán trong việc thực thi pháp luật giữa các nước và giữa các lục địa ví như một số quần thể nằm trong phụ lục I trong khi một số lại nằm trong phụ lục II.
Trong một đề xuất riêng, Zambia đề xuất đưa quần thể voi của họ từ phụ lục I sang phụ lục II và cho phép buôn bán quốc tế ngà voi thô vì mục đích thương mại. Bên cạnh đó, Botswana, Namibia và Zimbabwe cũng đề xuất cho phép không giới hạn số lượng ngà voi thô được đăng ký tại các kho của nhà nước, được phép bán cho các thành viên nhập khẩu khác, Ban thư ký sẽ kiểm soát bằng một số biện pháp nhất định nhằm ngăn chặn quá trình tái xuất.
•Voi ma mút: Israel đề xuất đưa voi ma mút vào Phụ lục II nhằm đấu tranh với một “thủ đoạn” mới để tráo đổi ngà voi bất hợp pháp trong bối cảnh nạn buôn bán ngà voi ma mút tăng nhanh. Để tránh lệnh cấm buôn bán ngà voi, những kẻ buôn lậu thường trộn lẫn hai loại ngà voi với nhau, và với sự thiếu vắng của các xét nghiệm đáng tin cậy và có hiệu quả để phân biệt hai loại ngà này đã tạo cho thị trường buôn bán ngà voi ma mút thành một vỏ bọc nguy hiểm cho các sản phẩm ngà voi bị săn trộm.
•Cá mập Mako, cá guitar khổng lồ và cá đuối: cá mập và cá đuối lại một lần nữa phá vỡ kỷ lục CITES cho số lượng quốc gia đề xuất bảo vệ. Cá mập Mako vây dài và vây ngắn, sáu loài cá guitar khổng lồ, 10 loài cá đuối đã được đề xuất đưa vào Phụ lục II Công ước CITES. Tất cả những loài này đang bị suy giảm trong tự nhiên, chủ yếu do nạn đánh bắt quá mức để phục vụ cho thị trường vi cá xa xỉ tại Châu Á.
•Tê giác trắng Phương Nam: Namibia đề xuất chuyển quần thể tê giác trắng của họ từ phụ lục I sang Phụ lục II và Eswatina cũng đề xuất một biện pháp cho phép buôn bán quốc tế sừng tê giác với mục đích thương mại. Ước tính khoảng 20.000 con tê giác trắng đang sinh sống ở Châu Phi và chúng vẫn bị đe dọa bởi nạn săn trộm lấy sừng. Nạn săn trộm ở Nam Phi, nơi sinh sống của khoảng 90% tê giác trắng Phương Nam đã leo thang rất nhanh trong những năm gần đây.
•Hươu cao cổ: Cộng hòa Trung Phi, Chad, Kenya, Mali, Niger và Senegal đã đề xuất đưa hươu cao cổ vào phụ lục II của công ước CITES. Loài này hiện không có trong danh sách bảo tồn của CITES; quẩn thể tự nhiên của loài đã giảm khoảng 36% đến 40% trong 30 năm qua; Nạn săn trộm và buôn bán thương mại là các mối đe doạ chủ yếu: gần 40.000 con hươu cao cổ và các bộ phận của chúng đã được nhập khẩu vào Mỹ từ năm 2006 đến 2015, bao gồm đồ mỹ nghệ được chế tác từ xương (21.402), xương (4.789), chiến lợi phẩm (3.744), các miếng da (3.008), các mảnh xương (1.903), da (855), đồ trang sức (825). Theo Sách đỏ của Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) mới nhất, phân loài Kordofan và Nubian của hươu cao cổ đã phải xếp hạng mức “Rất nguy cấp”, với số lượng quần thể dưới 4.650 cá thể còn tồn tại. Các phân loài hươu cao cổ, Thomicroft và Tây Phi cũng được xếp hạng ở mức “Nguy cấp” hoặc “sẽ nguy cấp” . Hươu cao cổ đã biến mất hoàn toàn khỏi Bukina Faso, Eritrea, Guinea Malawi, Mauritania, Nigeria và Senegal.
•183 quốc gia là thành viên của công ước CITES và 64 trong số đó, cùng với Liên minh Châu Âu đại diện cho 28 quốc gia thành viên, đã đệ trình các đề xuất để xem xét tại Hội nghị sắp tới. Việt Nam là thành viên chính thức của công ước CITES vào năm 1994.
•Nếu được chấp thuận tại Hội nghị, các đề xuất có thể ảnh hưởng đến tình trạng bảo vệ của 574 phân loài theo công ước CITES bao gồm 17 động vật có vú, 4 loài chim, 51 loài bò sát, 57 loài lưỡng cư, 18 loài cá, 20 loài động vật không xương sống và 407 loài thực vật.