Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Mô hình nào cho “thành phố Thừa Thiên - Huế”?

(09:51:34 AM 30/06/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia tại buổi tọa đàm tìm giải pháp thực hiện kết luận 48 của Bộ Chính trị về việc đưa cả tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương, vừa diễn ra tại TP Huế hôm 27-6.

 

Trung tâm TP Huế hiện còn giữ được sự hài hòa vốn có, từng được mệnh danh là “kiệt tác thơ kiến trúc đô thị” - Ảnh: THÁI LỘC

 

Bà Phạm Thị Nhâm - Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn - cho biết đề án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do viện này đang thực hiện theo hướng: phát triển cả tỉnh Thừa Thiên - Huế theo mô hình “tập hợp đô thị văn hóa” được cấu thành bởi hạt nhân là TP Huế và các thị trấn sinh thái. Đề án này đề xuất xây dựng hệ thống giao thông tốc độ cao để nối hệ thống đô thị nằm rải rác trên diện tích hơn 5.000km2 của thành phố Thừa Thiên - Huế tương lai.

 

Việc quy hoạch đô thị Thừa Thiên - Huế cũng sẽ dựa trên bốn nguyên tắc: gìn giữ di sản văn hóa Huế; giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu; thay đổi cấu trúc không gian nhằm giảm tải cho trung tâm đô thị Huế hiện nay sang các khu vực khác; phát triển mạng lưới giao thông kết nối nhanh.

 

Theo bà Nhâm, nên đề xuất với Chính phủ và Quốc hội cho thành lập thành phố Thừa Thiên - Huế trước rồi sau đó có những bước đi phù hợp trong việc xây dựng cả tỉnh thành thành phố trực thuộc trung ương.

 

Ông Lê Hồng Kế, giám đốc Trung tâm bảo vệ môi trường và quy hoạch phát triển bền vững, cho rằng đề án nói trên xây quá nhiều khu đô thị mới là không nên. Theo ông Kế, nếu xây nhiều khu đô thị mới sẽ có nhiều nhà cao tầng, kiến trúc chạy theo hiện đại, không phù hợp với Huế.

 

“Quy hoạch phải chú ý khai thác những gì Huế có mà không nơi nào có, trong đó đặc biệt chú ý đến các vấn đề sinh thái rừng, biển và đầm phá đặc trưng” - ông Kế nói.

 

Trong khi đó GS.TS Nguyễn Lân, tổng thư ký Hiệp hội Đô thị VN, lưu ý việc trưng cầu ý kiến người dân trong thực hiện quy hoạch.

 

GS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng Huế tương lai chỉ có thể được “cấu tạo” bởi ba yếu tố chủ đạo gồm thiên nhiên là chính, đô thị giãn và nông thôn được văn minh hóa. Đây sẽ là một “thành phố giãn” từ hạt nhân lớn là TP Huế chuyển hóa mềm ra các khu vực khác, với các tính chất nho nhã, mềm mại, sinh thái, tự nhiên...

 

Ông Nguyễn Việt Tiến, chủ tịch Hội Quy hoạch Thừa Thiên - Huế, cho rằng Huế nên phát triển theo hướng chùm đô thị đa trung tâm, lấy TP Huế hiện nay làm đô thị động lực nối kết với các đô thị xung quanh như Thuận An, Tứ Hạ, Hương Thủy, Bình Điền bằng những mảng xanh và lan tỏa ra các đô thị vệ tinh khác như Phong Điền, Phú Lộc, Chân Mây - Lăng Cô...

 

Ông Tiến nói: “Việc xây dựng phải nỗ lực bằng nhiều nguồn chứ không nên chỉ trông chờ vào trung ương đầu tư”. KTS Lã Thị Kim Ngân, viện trưởng Viện Quy hoạch Hà Nội, thì cho rằng rất khó để giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là chiến lược bảo tồn giá trị di sản, cảnh quan vốn có với việc phát triển kinh tế để xứng tầm đô thị loại một tầm cỡ quốc tế mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đang hướng tới.

 

Bà Ngân cho rằng Huế rất nên bảo tồn những vùng nhạy cảm để dành cho không gian phát triển của tương lai trong quá trình phát triển. Tương tự.

 

PGS.TS Đỗ Hậu (tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN) cho rằng không thể không phân vùng kiểm soát phát triển đối với Huế, và từng vùng trong đó phải ban hành những quy chế riêng...

 

"Huế đang là đô thị di sản nên mô hình chiến lược phát triển của Huế chỉ có thể là phát triển tiếp nối, trên cơ sở của ba hệ giá trị: thành thị, nông thôn và thiên nhiên, trong đó kết hợp nhuần nhuyễn giữa bảo tồn, cải tạo và hiện đại hóa"- GS.KTS Hoàng Đạo Kính

 

 

THÁI LỘC