Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Lào Cai: Phát hiện quần thể loài ếch quý hiếm trong rừng thượng nguồn sông Hồng
(20:42:04 PM 12/02/2019)
(Tin Môi Trường) - Anh Nguyễn Văn Trung, kiểm lâm viên phụ trách rừng ở xã Á Mú Sung, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) đã phát hiện ra quần thể loài ếch quý hiếm mang tên ếch cây phê.
Loài ếch quý hiếm mang tên ếch cây phê được phát hiện trong rừng Ngải Chồ (Ảnh: Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai)
Địa điểm phát hiện quần thể loài ếch quý hiếm là thôn Ngải Chồ, xã Á Mú Sung, huyện Bát Xát, thuộc khu vực nơi dòng sông Hồng bắt đầu chảy vào Việt Nam.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, loài ếch cây phê vừa được phát hiện có tên khoa học là Rhacophorus feae Boulenger, thuộc họ nhái cây Rhacophoridae, bộ không đuôi Anura.
Đây là một trong những loài ếch cây lớn, thân dài đến 120 mm. Trên lưng và trên các chi ếch có màu xanh lá cây, da nhẵn, mặt dưới bụng và đùi nổi hạt. Ngón tay, chân có đĩa rộng, có màng hoàn toàn. Hai bên đầu có một vệt nâu vàng chạy từ mõm viền trên mí mắt và màng nhĩ. Loài ếch này có khả năng thay đổi màu sắc từ xanh lá cây sang xanh đen hay nâu tối phụ thuộc vào môi trường xung quanh.
Ếch cây phê thường sống ở những vùng rừng thường xanh kín tán hay rừng thứ sinh với nhiều cây bụi hay tre nứa quanh những vũng nước đọng cách không xa suối có nước. Ở những vùng lầy lội hay gặp chúng trên những cây chuối hay bụi tre. Chúng đẻ trứng thành những ổ bọt làm trên đất hay trên cành cây cách đất 0,5m gần những con suối chảy xiết. Đặc biệt đây là loài sinh vật hoang dã nằm trong sách đỏ xếp loại nguy cấp (EN) cần bảo vệ.
Bà con người Dao đỏ ở xã Á Mú Sung, huyện Bát Xát cho biết loài ếch cây phê giao phối trên cây; bọc trứng treo trên cây, dọc ven bờ ao, khi trứng nở thành nòng nọc thì rơi xuống ao nước phía dưới. Hơn 20 hộ gia đình người Dao đỏ ở đây đã có quy định, sau khi ếch xanh cây phê giao phối trên cây xong, rơi xuống đất mới được bắt, để đảm bảo sinh sôi giống loài.
Đây là quần thể Ếch cây phê lớn, cần được bảo vệ, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.