Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Giảm thiểu và quản lý chất thải nhựa biển ở Việt Nam

(06:57:38 AM 10/02/2019)
(Tin Môi Trường) - Việc sử dụng phổ biến nhựa sử dụng một lần và năng lực quản lý chất thải còn hạn chế ở Việt Nam, đang gây áp lực gia tăng từ rác thải nhựa lên môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Giảm thiểu và quản lý chất thải nhựa biển ở Việt Nam

 
* Mức tiêu thụ nhựa tăng nhanh
 
Việt Nam hiện có 112 cửa sông đổ ra biển, là nguồn vận chuyển chính rác thải nhựa ra đại dương. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong 5 quốc gia ở châu Á đứng đầu về lượng rác thải nhựa đổ ra biển với khoảng 13 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương hàng năm. Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.
 
Rác thải nhựa xảy ra ở tất cả các vùng biển của Việt Nam. Các thống kê, nghiên cứu của Việt Nam chưa xác định được cụ thể, chính xác về khối lượng, chủng loại rác thải nhựa tồn tại ở vùng biển.
 
Trong khi đó, lượng nhựa được sử dụng tăng nhanh. Theo báo cáo từng giai đoạn của Hiệp hội Nhựa, năm 2015 Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/người năm 1990 lên 41 kg/người năm 2015. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế.
 
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000-5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm 7-8%, chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilon cả nước chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".
 
Việc nhập khẩu phế liệu nhựa đã từng bước được "kiểm soát", tuy vậy lượng phế liệu nhập khẩu vẫn tăng, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và tính đến tháng 10/2018 là 175.000 tấn.
 
Giảm thiểu và quản lý chất thải nhựa biển ở Việt Nam
 
* Tăng cường quản lý
 
Với 80% rác nhựa biển có nguồn gốc từ đất liền, việc quản lý sản xuất các sản phẩm nhựa và tiêu thụ nhựa là quan trọng. Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Tạ Đình Thi cho biết, năm 2018, tại các hội nghị thế giới và khu vực, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến và nỗ lực thực hiện sáng kiến trong quản lý rác thải biển và đại dương. Việt Nam đã đề xuất dự án “Thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”, đưa ra các sáng kiến thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa, thiết lập cơ sở tri thức về rác nhựa biển, nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi hành vi sử dụng sản phẩm nhựa, hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch.
 
Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” quy mô toàn quốc với các thông điệp chính là các hành động đơn lẻ không thể giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và cần tiến hành các hành động chưa từng thực hiện nhằm giảm thiểu tiêu dùng sử dụng một lần, khuyến khích tái sử dụng nhựa và nâng cao quản lý chất thải; thúc đẩy nghiên cứu các giải pháp thay thế và giải pháp bền vững góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi vì một thế giới sạch hơn.
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kêu gọi từng người dân, bằng những hành động thiết thực hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần ngay. Các cấp, các ngành, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.
 
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Nguyễn Thế Tuấn cho rằng: Những ưu tiên cần làm ngay là tiến hành rà soát các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quản lý rủi ro do chất thải nhựa thải ra biển để hoàn thiện khung pháp lý về kiểm soát ô nhiễm biển Việt Nam và lồng ghép với Chiến lược “Phát triển kinh tế biển xanh” trong sự tham gia của nhiều bên liên quan.
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đánh giá thực trạng các công nghệ đang được áp dụng để thu gom, phân loại, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng, tiêu hủy nhựa thải và đề xuất các dự án thí điểm đối với mục tiêu quản lý chất thải nhựa vùng ven biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chủ trì xây dựng tiêu chí đánh giá công nghệ thích hợp cho mục tiêu quản lý chất thải nhựa và các tiêu chí hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực phát triển và áp dụng các công nghệ này.
 
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”, “Đổi mới công nghệ đến năm 2020”,… đưa các nội dung trong Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon vào chương trình Khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường. Cấp địa phương đã ban hành các quyết định hoặc chỉ thị tăng cường quản lý, sử dụng và thải bỏ túi nilon khó phân hủy, thậm chí ngừng cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất túi nilon khó phân hủy.
 
Thạc sĩ Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải rắn, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa đổi quy định về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo hướng chỉ cho phép nhập các loại nhựa có giá trị tái chế cao; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc việc quản lý chất thải và phế liệu, trong đó có yêu cầu phân loại chất thải nhựa tái chế trong chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp; chất thải phải được quản lý từ khâu phát sinh đến thu gom, vận chuyển và xử lý.
 
Bộ tiếp tục thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, trong đó xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội cũng như xử lý ô nhiễm môi trường với mục tiêu “Năm 2020 giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010”.
 
Cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phù hợp để đưa các cơ sở tái chế nhựa phân tán nhỏ lẻ với công nghệ đơn giản hiện nay vào các khu công nghiệp tập trung, nâng cấp công nghệ xử lý, tái chế phù hợp; khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong xử lý, tái chế chất thải nhựa; thành lập các khu công nghiệp tái chế nhựa tập trung; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân hủy từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; thúc đẩy hơn nữa việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với các loại túi nilon khó phân hủy; tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải nhựa và túi nilon.
Minh Nguyệt