Nhiều sáng kiến phòng chống lụt bão
Hội nghị đã được nghe nhiều tham luận của Ban PCLB các tỉnh, TP miền Trung – Tây Nguyên, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học. Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam, trong những năm qua, tỉnh đã có một số sáng kiến quan trọng nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phương châm “bốn tại chỗ” đã được Quảng Nam vận dụng một cách sáng tạo thành phương châm “năm tại chỗ”, trong đó bổ sung nội dung “quản lý tại chỗ” nhằm hạn chế các vụ tai nạn về người trong các tình huống thiên tai. Bên cạnh đó, vận động nhân dân thôn, bản xây dựng và tự quản các kho dự trữ lương thực, thực phẩm nhằm đối phó với tình hình bị cô lập nhiều ngày.
Tây Giang là một huyện miền núi, cách tỉnh lỵ Quảng Nam 200 km, đã xây dựng các kho dự trữ lương thực, thực phẩm ở trung tâm 10 xã của huyện. Ngoài ra, từ năm 2008, 40/70 thôn trong huyện Tây Giang đã có sáng kiến xây dựng “kho thóc tình thương” do nhân dân đóng góp nhằm dự trữ các nhu yếu phẩm cần thiết trong tình huống bị bão lụt chia cắt nhiều ngày.
Sau cơn bão số 2, công nhân Hạt Quản lý đường bộ Yên Hòa (Nghệ An) khắc phục mố cầu Xốp Chạng để thông đường Quốc lộ 48C. Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), cho biết để phục vụ công tác PCLB, giảm nhẹ thiên tai, trung tâm đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp xây dựng hệ thống thông tin giám sát, dự báo lũ, dự báo ngập lụt phía hạ du, điều hành hồ chứa.
Đây là một giải pháp khoa học tổng thể nhằm giám sát tự động lượng mưa, mực nước hồ, độ mở của các cửa tràn, cửa cống đến dự báo lũ và điều hành hồ chứa… Tất cả các công đoạn này được điều khiển từ xa nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra trong trường hợp không thể tiếp cận hồ chứa.
Bộc lộ nhiều hạn chế trong phòng chống lụt bão
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, năm 2010, thời tiết nước ta có nhiều diễn biến bất thường; áp thấp nhiệt đới xuất hiện trong những tháng đầu năm, nắng nóng xảy ra liên tục trong phạm vi cả nước.
Trong năm 2010, thiên tai tại các tỉnh miền Trung đã làm 256 người chết và mất tích, 435 người bị thương; hơn 4.000 ngôi nhà bị đổ sập; hơn 220.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại…Tổng thiệt hại do bão lụt gây ra trong năm 2010 lên đến hơn 15.500 tỉ đồng.
Mặc dù đã có sự vào cuộc của toàn xã hội nhưng do diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường nên các đợt thiên tai trong năm 2010 đã bộc lộ nhiều hạn chế trong công tác PCLB. Công tác vận hành các hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa thủy điện, thiếu sự phối hợp gây ngập lụt cho hạ du.
Nhiều địa phương chưa xây dựng kế hoạch chi tiết về PCLB cho từng vùng ứng với mỗi loại thiên tai khác nhau như: phương án sơ tán dân phải chi tiết đến từng hộ, từng khu dân cư và được thực hiện trên bản đồ.
Một số nơi tổ chức công tác trực ban còn thiếu khoa học, chưa ban hành quy chế trực ban, chưa xác định rõ nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm của người trực ban nên khi thiên tai xảy ra thì bị động, lúng túng. Công tác dự trữ lương thực chưa được thực hiện tốt, có nơi chỉ mới bị bão lụt chia cắt vài ngày đã thiếu lương thực, nước uống…
22 người chết do bão số 2
Ngày 28-6, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết bão số 2 đã làm chết 22 người, tăng 5 người so với báo cáo ngày 27-6. Cụ thể, tại Hòa Bình có 2 người, Phú Thọ 1 người chết do lội qua suối bị lũ cuốn trôi; Quảng Ninh 1 người đi xe máy qua ngầm bị lũ cuốn trôi; Yên Bái 1 người mất tích đã tìm thấy xác.
Ngoài ra, hiện còn 5 người mất tích và 65 người bị thương. Bên cạnh đó, tuyến đê biển Cồn Xanh huyện Nghĩa Hưng, Nam Định bị hư hại cục bộ; mái đê, mái kè bị sạt lở khối lượng khoảng 10.000 m3 đất, 480 m3 đá xây lát.
B.Trân
|
3 xã huyện Kỳ Sơn còn bị cô lập
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB huyện Kỳ Sơn, tính đến chiều 28-6, các xã Mỹ Lý, Mường Típ và Mường Ải (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) vẫn còn bị cô lập do cơn lũ quét ngày 25-6 gây ra.
Toàn bộ tuyến đường nối thị trấn Mường Xén vào 3 xã này đều bị hư hỏng, đứt gãy, nhiều đoạn bị vùi lấp dưới hàng trăm khối đất đá do lũ cuốn từ núi xuống khiến giao thông bị ách tắc nghiêm trọng.
Theo ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, huyện đã huy động các phương tiện hiện có để san ủi đường. Tuy nhiên, cũng phải vài ngày nữa tuyến đường này mới có thể khai thông.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB huyện Quỳ Hợp, thi thể bà Lô Thị Thanh (40 tuổi, xóm Yên Minh, xã Châu Thái, Quỳ Hợp) đã được tìm thấy vào sáng 28-6, sau 3 ngày bị lũ cuốn trôi.
H.Anh
|