(Tin Môi Trường) - Ngày 21/1 /2019, Sáng kiến Tài chính Bền vững châu Á (ASFI) chính thức đi ra mắt, với mục tiêu hướng đầu tư tài chính khu vực châu Á đạt được các kết quả bền vững về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Ảnh minh hoạ: IE
Với phương thức hoạt động như một diễn đàn đa phương, trong đó WWF đóng vai trò là thư ký, ASFI tập hợp các tổ chức tài chính, học viện, và các tổ chức khoa học để hỗ trợ cho các tổ chức tài chính có trụ sở tại Singapore hiểu sâu hơn về các kiến thức tài chính bền vững.
Ngành tài chính có vai trò chủ chốt trong việc xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững và có khả tự năng phục hồi cao. Thông qua tầm ảnh hưởng của mình, ngành có thể hướng các công ty thực hiện hoặc đầu tư vào các dự án phát triển bền vững. Trong vai trò của mình, ASFI có thể thúc đẩy sự chia sẻ giữa các sáng kiến tài chính bền vững quốc gia khác trong khu vực.
“Quan hệ hợp tác và các hành động tập thể là yếu tố quan trọng để đạt được sự phát triển bền vững. Với sự công nhận trên toàn cầu về vai trò của ngành tài chính trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Bộ Môi trường và Nguồn nước (MEWR) và Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) hoan nghênh sự ra đời của ASFI và tin rằng sáng kiến này sẽ giúp ngành tài chính hoàn thành được vai trò của mình nhanh hơn tại Singapore và trong khu vực”.
Tài chính bền vững là một đòn bảy quan trọng để giải quyết tính dễ tổn thương ngày càng gia tăng trong khu vực do tác động của biến đổi khí hậu, suy thoái đất và hệ sinh thái biển, các vấn đề về quyền lao động và quyền con người và các rủi ro về nguồn nước. Sự dịch chuyển sang nền kinh tế bền vững sẽ đem lại cơ hội đầu tư cho riêng châu Á, từ nay tới 2030, khoảng 5 nghìn tỷ đô la Mỹ. Để hỗ trợ ngành tài chính điều hướng các rủi ro và cơ hội này, ASFI được thành lập nhằm thúc đẩy nhanh quá trình tích hợp các nguyên tắc về Môi trường, Xã hội và Quản trị (MT, XH & QT) vào trong các quyết định về tài chính, đồng thời đảm bảo rằng việc này sẽ dẫn tới các kết quả có thể đo lường và phù hợp với Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và Thoả thuận Khí hậu Paris.
Tài chính Bền vững hiện là một trong những vấn đề nghị sự được ưu tiên tại Việt Nam khi mà ngành tài chính đóng vai trò cốt yếu trong việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững của các ngành kinh tế trọng yếu như gạo, hải sản, năng lượng, v.v. Nhằm thiết lập một nền kinh tế xanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra Chỉ thị số 3, ngày 24/03/2015, theo đó khuyến khích Tăng trưởng Tín dụng Xanh và đẩy mạnh quản lý rủi ro về xã hội và môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. WWF-Việt Nam hiện đang hợp tác với các đối tác trong nước bao gồm Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhằm hỗ trợ các ngân hàng tích hợp các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường trong các hoạt động tài chính, đồng thời hướng dẫn các ngân hàng công bố đầy đủ các tiến trình của mình.
Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia của WWF-Việt Nam phát biểu: “Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc thực hiện các nguyên tắc về tài chính bền vững, tuy nhiên ngành tài chính vẫn có thể làm nhiều hơn nữa, trong tầm tay của mình, để thúc đẩy phát triển bền vững nhằm đạt được các kết quả tích cực về môi trường, xã hội và kinh tế. AFSI là một sáng kiến quan trọng, tạo ra một diễn đàn tốt để hỗ trợ các tổ chức tài chính tại Việt Nam thực hiện được mục tiêu Thoả thuận Khí hậu Paris và các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2030.”
Tham gia vào sáng kiến ASFI, nhiều tổ chức – dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển bền vững và tài chính bền vững – sẽ cùng hợp tác để tạo ra nhóm Đối tác Tri thức nhằm mang tới những cách nhìn và phương pháp sáng tạo. Quan trọng hơn nữa, Nhóm đối tác Tri thức sẽ phát triển những công cụ, thực hiện nghiên cứu và xây dựng các khung làm việc mới nhất cho ngành tài chính bền vững, đồng thời sẽ hỗ trợ các tổ chức tài chính áp dụng các điều này. Qua đó, ASFI có thể hỗ trợ các tổ chức tài chính thực hiện được các cam kết của mình đối với các sáng kiến toàn cầu như Nguyên tắc Đầu tư có trách nhiệm, Nguyên tắc Ngân hàng có trách nhiệm, Mục tiêu dựa vào Khoa học và Nhóm đặc nhiệm về Tiết lộ tài chính liên quan tới Khí hậu.
ASFI cũng sẽ làm việc với Nhóm Tư vấn – Hiệp hội Ngành Tài chính Singapore để đưa ra những hướng dẫn chiến lược, đảm bảo rằng các hoạt động của ASFI vẫn phù hợp và liên quan tới các ưu tiên và sự phát triển của ngành.
ASFI sẽ dựa vào những thành quả hiện có để xây dựng một hệ sinh thái cho tài chính bền vững tại châu Á. Tại Singapore, các thành quả này bao gồm Hướng dẫn về Tài chính có Trách nhiệm của ngành ngân hàng, các yêu cầu niêm yết báo cáo bền vững của SGX đối các công ty; thông báo về Chương trình Trái phiếu Xanh của MAS và vai trò sáng lập viên đối với Mạng lưới Ngân hàng và Giám sát viên Trung ương đối với việc Xanh hoá Hệ thống Tài chính, và tiếp tục hỗ trợ xây dựng năng lực cho các thành viên.
“Các đối tác Tri thức của ASFI mong muốn được làm việc cùng với các tổ chức tài chính để có thể thúc đẩy tài chính bền vững phát triển hơn trong khu vực, đồng thời tạo ra những phải pháp thiết thực nhằm nâng cao sự tự phục hồi và phát triển nền kinh tế tương lai.” Bà Jeanne Stampe, Giám đốc Tài chính và Hàng hóa châu Á của WWF chia sẻ thêm.
Các tổ chức tài chính của các quốc gia ASEAN, trong đó có các ngân hàng Việt Nam, có thể tận dụng các dữ liệu mà ASFI cung cấp, qua đó, họ có thể có những công cụ và kiến thức phù hợp để quản lý tốt hơn các rủi ro và cơ hội liên quan tới khí hậu, đồng thời cập nhật thường xuyên về các hoạt động, nghiên cứu và công cụ sẵn có. Các cá nhân của các tổ chức tài chính tại Việt Nam có thể đăng ký quyền truy cập vào hệ thống thông tin dữ liệu trên website của ASFI.