(Tin Môi Trường) - Mấy ngày qua, câu chuyện ô nhiễm môi trường tại bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) đang đặt ra rất nhiều câu hỏi thu hút sự quan tâm của dư luận. Không chỉ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và rất nhiều tỉnh, thành khác,…Hệ lụy từ rác thải là rất lớn nhưng chưa thực sự được quan tâm nhiều. GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi về câu chuyện quy hoạch và xử lý rác hiện nay.
GS Đặng Hùng Võ.
PV: Những ngày qua, câu chuyện bãi rác Nam Sơn là chủ đề rất nóng. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên vấn đề này xảy ra. GS đánh giá thế nào về quy hoạch và xử lý rác của TP Hà Nội?
GS Đặng Hùng Võ: Trước hết không phải là Hà Nội mà nhiều địa phương khác như TP Hồ Chí Minh cũng đã gặp tình trạng này. Nhiều tỉnh phát triển công nghiệp cũng đã gặp tình trạng xử lý rác chưa được chính quy. Trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như Luật Đất đai đều rất quan tâm đến việc quy hoạch các địa điểm xử lý rác.
Trong Luật đều ghi rất rõ, đó là trọng tâm của việc bảo vệ môi trường. Trở lại với câu chuyện của Hà Nội, nếu cứ xử lý rác theo kiểu chôn lấp ở bãi xử lý rác Nam Sơn thì sẽ ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, nước sinh hoạt của người dân. Các nước phát triển công nghiệp người ta đã cảnh báo việc này rồi. Chúng ta rất hiểu nhưng trên thực tế chúng ta vẫn rất “chểnh mảng” về việc này.
PV: Nếu không có bãi rác Nam Sơn thì Hà Nội rất dễ “thất thủ” trong việc xử lý rác thải . GS có cho rằng, Hà Nội đang quá chậm trễ trong việc quy hoạch rác thải?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng không chỉ Hà Nội mà cả TP Hồ Chí Minh hay các địa phương khác, hiện nay chưa có bất kỳ địa phương nào chọn được một phương án cụ thể để xử lý rác.
Về nguyên tắc hiện nay, không ai khuyến khích việc chôn lấp rác bởi hệ quả của nó là không lường được. Ô nhiễm mạch nước ngầm không chỉ ảnh hưởng đến người dân sống quanh bãi rác, mà ảnh hưởng người dân trên cả vùng. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ xử lý rác nhưng đều không được các địa phương mặn mà chấp nhận. Đây là câu hỏi rất lớn cần đặt ra cho các địa phương.
Doanh nghiệp đã chuẩn bị công nghệ, chấp nhận đầu tư theo hình thức PPP (công- tư- đối tác), doanh nghiệp chuẩn bị vốn, công nghệ, nhưng địa phương không sốt sắng. Trong khi Chính phủ đã nói rất nhiều lần về vấn đề là chúng ta cứ nói, nhưng các địa phương hoàn toàn chậm trễ.
PV: Phải chăng hiện nay các địa phương chưa đủ khả năng để làm việc đó, thưa ông?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị. Họ đi nước ngoài tham quan và hợp tác với nước ngoài, họ có công nghệ xử lý theo kiểu công nghiệp để xử lý tận gốc vấn đề. Ví dụ như phân loại rác, cái gì có thể chế tạo được vật liệu để làm vật khác… Các kinh nghiệm đó họ đã trao đổi, chia sẻ với chúng ta, các doanh nghiệp của ta đã học hỏi được rất nhiều, có tiền đầu tư vào nhà máy để xử lý rác. Nhưng tôi không hiểu sao lại chậm trễ ở địa phương.
PV: GS có cho rằng, từ câu chuyện rác thải này cho thấy, Hà Nội đang có rất nhiều vướng mắc ở quy hoạch, từ xây dựng, cư dân… tạo áp lực rất lớn lên môi trường Thủ đô?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng, điều này đúng. Nếu chúng ta có một quy hoạch môi trường theo quy hoạch sử dụng đất thì đã không có nhiều hệ lụy đến thế. Thế nhưng hiện nay, với chúng ta ngay từ bãi rác Nam Sơn của Hà Nội cũng là một cái gì đó theo kiểu giật gấu vá vai. Tức là chúng ta chưa có một quy hoạch ổn định thì cứ tạm thế đã. Một đất nước phát triển theo kiểu công nghiệp thì không thể có tư duy tạm được.
PV: “Giật gấu vá vai” là lấy chỗ nọ bù chỗ kia, nhưng với Hà Nội, họ đã có quy hoạch xử lý rác, mở rộng khu phức hợp xử lý nhưng vẫn là quy trình chôn lấp ở các khu vực ngoại thành. Đây không còn là hình thức tạm bợ, thưa ông!
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng chúng ta phải thay đổi tư duy, đừng có nghĩ đến việc chôn lấp nữa. Chôn lấp bây giờ là việc mà thế giới người ta đang chống lại. Bởi từ việc chôn lấp sẽ dẫn đến ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, nguồn nước ngầm. Thế thì đừng nghĩ đến việc chôn lấp nữa mà quan trọng nhất bây giờ tư duy của lãnh đạo thành phố là phải bỏ việc chôn lấp đi. Và phải tìm giải pháp lựa chọn doanh nghiệp nào làm PPP ở đây (công- tư- đối tác). Doanh nghiệp sẽ đầu tư chứ không phải ngân sách.
PV: Theo như GS thì việc này không phải là việc các địa phương không làm được nhưng tại sao đến giờ, chúng ta vẫn chậm trễ?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi đã nói chuyện với rất nhiều doanh nghiệp có khả năng đầu tư theo hình thức PPP. Họ đều nói là địa phương không mặn mà. Thậm chí họ còn nói với tôi là làm cách nào đó để giúp họ thuyết phục tư duy của địa phương là hãy đi theo con đường xử lý công nghiệp, đừng chôn lấp nữa. Thế nhưng, việc này hiện nay lại vượt quá khả năng của tôi. Tôi chỉ biết rằng đây là một trong những ý thức rất tốt của doanh nghiệp nhưng tôi vẫn chưa hiểu là do công nghệ của doanh nghiệp thấp hay có cái gì vướng ở đây không?
PV: Với các địa phương đang rất nóng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hiện nay có người cho rằng phải có quy định phân loại rác tại nguồn để giải bài toán trước mắt. GS nghĩ thế nào?
GS Đặng Hùng Võ: Theo tôi, đây là một những giải pháp tốt nếu chúng ta nhìn từ các nước tiên tiến. Ở các nước châu Âu, họ làm việc này tốt nhưng ở Việt Nam thì lại khác. Ở Việt Nam không đồng bộ, có khi vận động được người dân phân loại tại nhà nhưng khi xe rác đến, có khi cần 3 xe thì lại chỉ có một xe đến.
Người ta phân loại tại nhà mà lại đổ cùng lên 1 xe thì người dân phân loại ở nhà làm gì. Cả một câu chuyện cồng kềnh để giáo dục ý thức từ trẻ con đến người già là rác nào vứt vào thùng nào mà ra đến xe rác lại để chung vào. Thêm nữa là phân loại tại nguồn rồi thì công nghệ xử lý phải phù hợp chứ ra khỏi đó rồi lại đâu vào đấy, mang đến địa điểm chôn lấp thì chả giải quyết việc gì.
PV: Quay trở lại với câu chuyện của bãi rác Nam Sơn, thực tế người dân trong vùng ảnh hưởng chặn xe chở rác vào xuất phát từ nguyên nhân phương án di dời và đền bù của thành phố quá chậm trễ. Tuy vậy, nhìn nhận thực tế thì phương án xử lý rác thải ở khu này cũng vẫn chỉ là chôn lấp, nếu có mở rộng. GS có cho rằng, Hà Nội cần phải thay đổi phương án xử lý rác?
GS Đặng Hùng Võ: Đây chính là bất cập. Tại sao chúng ta lại quy hoạch bãi rác Nam Sơn chỉ là nơi để chôn lấp mà không quy hoạch nó là nơi xử lý rác theo kiểu công nghiệp. Tôi cho rằng, hiện nay tư duy của người dân đã khá tốt về việc xử lý rác, nhưng cái vướng hiện nay là trong tư duy lãnh đạo địa phương.
Quan trọng nhất là lãnh đạo địa phương có thấy đây là vấn đề nóng hay không? Người dân đã thấy nóng bởi nếu xử lý không tốt thì sức khỏe mình bị ảnh hưởng. Con cháu mình bị ảnh hưởng. Người dân đã thấy bực mình bởi sự ảnh hưởng từ rác thải, nhưng cái dửng dung vẫn nằm trong tư duy lãnh đạo địa phương.
PV: Với các địa phương đang rất nóng về rác thải đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, GS cho rằng cần phải làm gì?
GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng hiện tại không thể chậm trễ hơn được nữa là tiếp nhận công nghệ nào, và quy hoạch xử lý theo kiểu công nghiệp chứ không thể chờ được nữa. Những nơi nào chưa có quy hoạch công nghiệp thì phải quy hoạch công nghiệp. Nếu chúng ta chậm trễ nữa thì chúng ta sẽ không còn mạch nước ngầm, lấy đâu ra nước mà uống. Nếu quy hoạch như Hà Nội, mở rộng ra rồi chôn lấp thì tương lai không xa là sẽ bằng không.
PV: Xin cảm ơn giáo sư!