(Tin Môi Trường) - Sự tăng trưởng của nền kinh tế góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đời sống xã hội, nhưng kéo theo là những tác động ngày càng nghiêm trọng đến môi trường. Khi đó, vai trò của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng được đẩy lên cao với xu hướng tín dụng xanh.
Tín dụng xanh – xu hướng tài chính tất yếu của xã hội
Khoảng 5 năm về trước, tín dụng xanh có lẽ là khái niệm còn khá mới mẻ với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, đời sống người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ngày càng ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực đến môi trường, thì khái niệm “tín dụng xanh” mới thực sự được quan tâm đúng mức. Đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, nhất là khi Việt Nam được đánh giá một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm hàng đầu hiện nay.
Tín dụng xanh được hiểu là việc các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung. Trên thực tế, xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã phát triển từ lâu trên thế giới với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo về môi trường.
Xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã phát triển từ lâu trên thế giới với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch.
Với người dân và các tổ chức doanh nghiệp, tín dụng xanh là giải pháp quan trọng, giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống và quy trình sản xuất đến môi trường và xã hội, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế. Trong khi đó, về phía Ngân hàng, việc triển khai chương trình tín dụng xanh còn giúp Ngân hàng giảm thiểu các khoản nợ khó đòi, tăng cường mức độ ổn định tài chính và bảo vệ hình ảnh thương hiệu trên thị trường.
Vai trò quan trọng của ngân hàng
Trong kế hoạch hành động của Chính phủ, các tổ chức tín dụng được xem là những mắc xích quan trọng. Theo chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các Ngân hàng Thương mại thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ một trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường. Đầu năm 2017, NHNN cũng ban hành Chỉ thị 01/2017 tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
Theo đó, nhiều ngân hàng đã và đang có những chính sách ưu đãi trong việc cấp tín dụng xanh. Là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện chương trình tín dụng xanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường, Nam A Bank đã ký kết với Qũy hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) về việc triển khai chương trình Tín dụng xanh tại Việt Nam. Theo đó, Nam A Bank sẽ cấp tín dụng xanh trung và dài hạn cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm 20% nhu cầu năng lượng.
Ông Trần Ngọc Tâm – Tổng Giám đốc Nam A Bank và Bà Maud Savary Mornet – Giám đốc GCPF Khu vực Châu Á Thái Bình Dương cùng ký kết hợp tác triển khai chương trình Tín dụng xanh.
Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp, Nam A Bank cấp tín dụng xanh cho các mục đích đầu tư máy móc, thiết bị; bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm, thiết bị thân thiện với môi trường hoặc cung cấp vốn đầu tư đối với các dự án năng lượng mặt trời. Trong khi đó, với khách hàng cá nhân, Nam A Bank cho vay mua xe ô tô, vay tiêu dùng, vay đầu tư, vay xây dựng – sửa chữa nhà… miễn là các nhu cầu này không gây tác động đến môi trường. Chẳng hạn như việc cấp tín dụng xanh cho nhu cầu vay mua ô tô, dòng xe mua phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên, hoặc với chính sách cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, Nam A Bank cấp tín dụng xanh cho các mục đích mua sắm thiết bị sản xuất ngành nông nghiệp để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và không gây ô nhiễm môi trường.
Tín dụng xanh không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức với cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng. Đối với doanh nghiệp, tín dụng xanh đòi hỏi những yêu cầu khắt khe từ phía Ngân hàng để đủ điều kiện cấp vốn. Trong khi đó, các ngân hàng coi đây là cơ hội để mở rộng kinh doanh và đóng góp phần giúp nền kinh tế bền vững hơn. Tất cả nhằm hướng đến một nền kinh tế vĩ mô ổn định.