(Tin Môi Trường) - Sáng 2/1, bà Võ Thị Liên 71 tuổi đến Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi tái khám vết mổ ở đùi và được hướng dẫn đến bệnh viện khác.
Bà Liên cho biết bà bất ngờ khi được chỉ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh cách đó khoảng 10 km. Lý do là Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi sáp nhập vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi nên các khoa dừng hoạt động.
Cũng như bà Liên, hai ngày qua hàng trăm người dân đến bệnh viện thành phố khám, điều trị theo chế độ bảo hiểm y tế, cũng được hướng dẫn đến viện khác. Nhiều người phản ứng, than phiền...
Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi sáp nhập vào bệnh viện tỉnh từ ngày 1/1/2019. Ảnh: Phạm Linh.
Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi được xây dựng từ năm 2006 với 70 giường bệnh. Gần 100 nhân viên, y bác sĩ làm việc tại đây. Bệnh viện khám, điều trị theo chế độ bảo hiểm y tế cho hơn 16.000 bệnh nhân ở TP Quảng Ngãi và các vùng lân cận, trung bình 750 bệnh nhân mỗi ngày.
Giữa năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì thẩm định đề án sáp nhập Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi và Bệnh viện Đa khoa Dung Quất vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.
Tháng 4/2018, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi cân nhắc chủ trương sáp nhập các bệnh viện tuyến huyện vào bệnh viện tỉnh.
Theo bà Tiến, việc sáp nhập nói trên khiến trung tâm y tế các huyện không đủ năng lực khám chữa trị bệnh, làm thay đổi việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của các bệnh viện trong tỉnh. Sáp nhập cũng phá vỡ tổ chức hệ thống y tế từ tuyến xã lên tuyến tỉnh; gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
Bên cạnh đó, công tác điều hành, bố trí nhân lực và đầu tư kinh phí cho bệnh viện đa khoa tỉnh sẽ gặp khó khăn do cơ sở phân tán, nhiều đầu mối.
Một người dân đưa thẻ bảo hiểm cho biết bà đăng ký khám chữa bệnh ở Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi, sáng 2/1 được hướng dẫn đến viện khác xa hơn. Ảnh: Phạm Linh.
Đầu tháng 11/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn ra quyết định sáp nhập Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi và Bệnh viện Đa khoa Dung Quất vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Việc sáp nhập bắt đầu từ ngày 1/1/2019.
Sau sáp nhập, UBND tỉnh giao Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh (huyện gần TP Quảng Ngãi) khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân trên địa bàn TP Quảng Ngãi. Bệnh viện huyện Bình Sơn tiếp nhận điều trị cho người dân 9 xã do Bệnh viện Dung Quất đảm nhận trước đây.
Cơ sở vật chất của hai bệnh viện sẽ được kêu gọi xã hội hóa, ưu tiên bệnh viện đa khoa ngoài công lập. Trong thời gian chờ đợi, cơ sở của hai bệnh viện bị sáp nhập sẽ được cơ quan mới tiếp nhận.
Người dân hoang mang khi nghe tin bệnh viện không khám bệnh. Ảnh: Phạm Linh.
UBND Quảng Ngãi cho rằng việc sáp nhập và xã hội hóa là cần thiết để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Hiện do mạng lưới bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh chậm phát triển, việc triển khai dịch vụ kỹ thuật cao còn hạn chế, viện thường xuyên quá tải... khiến người dân không hài lòng, phải chuyển lên tuyến trên.
Quyết định sáp nhập khiến một số cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi không đồng thuận. Họ đã hai lần gửi tâm thư khẩn cầu đến Chính phủ.
Trong thư, các bác sĩ cho rằng xã hội hóa công tác y tế không phải là cổ phần hóa hay tư nhân hóa, gây thiệt hại tài sản quốc gia và giảm quyền an sinh, phúc lợi xã hội của người dân.
Ông Lê Báy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: "Việc sáp nhập khiến người dân thành phố không đồng tình, không chịu qua các bệnh viện huyện để khám bệnh. Chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh và đang chờ chỉ đạo".