(Tin Môi Trường) - Theo quy định hiện hành, mức xử phạt chỉ từ 20 - 30 triệu đồng/hành vi, cao nhất là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với doanh nghiệp nên không có tác dụng răn đe.
Liên tiếp xảy ra nhiều vụ vi phạm về quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng nhưng khi bị kiểm tra, các doanh nghiệp không thừa nhận các mẩu quảng cáo trên do mình thực hiện. Do đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ biết đưa ra cảnh báo để người dân cảnh giác, hoặc chỉ xử phạt hành chính được vài ba doanh nghiệp.
Quảng cáo sai nhưng không ai nhận
Ngày 31/10, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đưa ra cảnh báo về việc website dongtrunghathaovinhgia.vn quảng cáo sản phẩm đông trùng hạ thảo Vinh Gia vi phạm quy định quảng cáo. Tuy nhiên, khi đến làm việc, Công ty cổ phần Đông trùng hạ thảo Vinh Gia (số 9 Nguyễn Hoàng, P.Mỹ Đình 2, Q.Từ Liêm, TP.Hà Nội) - đơn vị tự công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm này - khẳng định công ty mình không thực hiện quảng cáo trên trang web kia và không chịu trách nhiệm về liều lượng, mức độ an toàn của sản phẩm trên trang web đó.
Đông trùng hạ thảo Vinh Gia từng quảng cáo như thuốc chữa bệnh nhưng doanh nghiệp phủ nhận website quảng cáo đó không phải của mình
Tiếp đến ngày 1/11, Cục ATTP cũng phát hiện trang web sotaykhoedep.com và trang Facebook thaomocgiamcanhoamoclam quảng cáo các sản phẩm thảo mộc Hoa Mộc Lâm có dấu hiệu vi phạm quy định quảng cáo. Công ty sản xuất dòng sản phẩm này cũng khẳng định các mẩu quảng cáo tại các trang trên không phải do công ty thực hiện.
Mới đây nhất, ngày 26/12, Cục ATTP phát hiện trên trang web cuahangtpcn.com có quảng cáo sản phẩm viên nang mềm nghệ và ô-liu vi phạm quy định quảng cáo. Đại diện công ty sản xuất cũng khẳng định công ty không quảng cáo sản phẩm tại website trên và không chịu trách nhiệm về sản phẩm đăng trên trang web đó.
Thậm chí, một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm, bị thu hồi vẫn tiếp tục được quảng cáo nhan nhản trên các trang web, mạng xã hội. Chẳng hạn, sản phẩm bảo vệ sức khỏe Cường Anh bị xử phạt do chứa chất gây đau tim nhưng vẫn quảng cáo tại một số trang web như cuonganhauthentic.vn, nhathuocviet.net. Ngay sau đó, Cục ATTP đã làm việc với Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Cường Anh Authentic nhưng đại diện công ty khẳng định không có trang web và không quảng cáo thực phẩm trên mạng.
Theo Cục ATTP, các quảng cáo vi phạm (thổi phồng công dụng, tính năng, quảng cáo thực phẩm chức năng thành dược phẩm) thường tập trung vào nhóm sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh mãn tính (tiểu đường, xương khớp, tăng huyết áp, tim mạch…), bệnh khó nói (viêm nhiễm phụ khoa, bệnh da liễu, yếu sinh lý), bệnh nan y, làm đẹp, giảm cân… với chiêu bài là thuốc đông y gia truyền, thành phần 100% tự nhiên. Những sai phạm thường gặp là quảng cáo khi chưa có sự thẩm định, cho phép của cơ quan chuyên môn; quảng cáo quá nội dung được duyệt; sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế, cơ sở y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo công dụng sản phẩm…
Chủ yếu vẫn là cảnh báo
Hiện các vụ quảng cáo sai phạm trên mạng đều được Cục ATTP cảnh báo trên trang web của cục. Trao đổi với chúng tôi, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP - thừa nhận, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc kiểm tra các sản phẩm kinh doanh qua mạng. Mặc dù biết doanh nghiệp sai phạm nhưng lực lượng kiểm tra rất khó xử lý bởi doanh nghiệp không thừa nhận trang web vi phạm quảng cáo là của mình.
“Chúng tôi đã phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình (Bộ thông tin và truyền thông) xác định người đứng tên miền tại các website vi phạm, nhưng có những tên miền do doanh nghiệp nhờ một cá nhân nào đó đứng ra đăng ký. Cái khó là cơ quan chức năng hiện chỉ xử lý được các trang web bán hàng đặt máy chủ tại Việt Nam, còn những trang web đặt máy chủ ở nước ngoài thì đành bó tay” - ông Nguyễn Thanh Phong nói.
Vậy, cơ quan chức năng đành bất lực? Ông Phong cho biết, trên thực tế, nhờ phối hợp với nhiều bộ, ngành mà cục đã xử lý được một số trường hợp chứ không hoàn toàn bó tay. Về phương diện pháp luật, hiện nay, cục công khai các đơn vị, doanh nghiệp, hành vi vi phạm lên trang web của cục để khuyến cáo người tiêu dùng nên tránh. Cục cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 178/2013/NĐ-CP theo hướng nâng mức xử phạt. Theo quy định hiện hành, mức xử phạt chỉ từ 20 - 30 triệu đồng/hành vi, cao nhất là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với doanh nghiệp nên không có tác dụng răn đe.
Theo một số nhà sản xuất thực phẩm chức năng, cơ quan quản lý cần tìm giải pháp xử lý triệt để vấn nạn quảng cáo sai phạm này, bởi các doanh nghiệp sai phạm này có đội ngũ nhân viên bán hàng không có trình độ chuyện môn về y dược, chỉ tư vấn theo kiểu hù dọa khiến bệnh nhân hoang mang, sử dụng sản phẩm vô tội vạ, ảnh hưởng đến sức khỏe.