(Tin Môi Trường) - Miền Bắc đang trải qua đợt rét mạnh nhất của mùa Đông năm nay, tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) đã xuất hiện băng giá khi nhiệt độ giảm xuống chỉ còn -0,3 độ C. Đợt rét này có thể so sánh gần bằng đợt rét đậm kỷ lục ở Bắc Bộ trong năm 2008 và một số đợt khác.
Băng giá bao phủ Mẫu Sơn thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh - Ảnh: Đăng Thuỳ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, bảng đo nhiệt độ lúc 6 giờ sáng nay tại các trạm quan trắc ở miền Bắc, cho thấy nhiệt độ đo được tại Mẫu Sơn chỉ là -0,3 độ C; tại Đồng Văn (Hà Giang) là 2,2 độ C; tại Sa Pa (Lào Cai) là 3,3 độ C; Trùng Khánh (Cao Bằng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là 3,6 độ C; Pha Đin (Điện Biên) là 5,4 độ C; Mộc Châu (Sơn La) là 6,5 độ C; Hà Đông (Hà Nội) là 9 độ C. Ngoài ra, các tỉnh vùng núi phía Bắc và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nhiệt độ chỉ ở mức trên dưới 10 độ C.
Băng giá phủ trắng Mẫu Sơn
Đêm 29 rạng sáng nay 30-12, đỉnh Mẫu Sơn tại tỉnh Lạng Sơn (cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển) nhiệt độ giảm sâu, xuống âm 0,3 độ C vào lúc 6 giờ sáng nay. Băng phủ dày từ đỉnh xuống phía dưới khoảng 700 m. Đây là lần đầu tiên trong mùa đông xuân 2018-2019, Mẫu Sơn xuất hiện băng giá. Tại khu du lịch Mẫu Sơn, cao 1.200 m so với mực nước biển, sớm nay gió vẫn thổi mạnh, nhiệt độ xuống 0 độ C.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn quốc gia, cho biết ngày 27-12, không khí lạnh (KKL) đã ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía Bắc, đến ngày 28-12, KKL tăng cường mạnh hơn, toàn bộ Bắc Bộ và một phần của khu vực Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, vùng núi trung du đã chuyển rét đậm, rét hại.
Tuy nhiên, mức độ rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ sẽ diễn ra mạnh nhất là vào ngày 29 và 30-12. Lúc này, ngoài KKL còn có hình thế gây mưa ở Bắc Bộ đó là rãnh gió Tây di chuyển sang kết hợp với KKL ở tầng thấp sẽ gây ra một đợt mưa trên diện rộng, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to; do vừa mưa, vừa rét nên nhiệt độ giảm rất sâu.
Nhiệt độ trong ngày 29 và 30-12 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ là từ 8-11 độ C ở vùng đồng bằng, vùng núi khoảng 4-7 độ C, vùng núi cao là dưới 3 độ C.
Khu vực có độ cao trên 1.500m so với mực nước biển sẽ có khả năng xuất hiện nhiệt độ dưới 0 độ C kết hợp với khả năng có mưa thì khu vực như Ô Quý Hồ, Đèo Pha Đin, Sa Pa còn có khả năng xuất hiện mưa tuyết và băng giá.
Ông Lâm cho biết đợt rét này sẽ kéo dài đến khoảng ngày 4-1-2019, khả năng băng giá cũng sẽ kéo dài như vậy; nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của con người, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn.
"Đợt rét này là mạnh nhất của mùa Đông năm nay, có thể so sánh gần bằng đợt rét đậm kỷ lục ở Bắc Bộ trong năm 2008 và một số đợt khác"- ông Lâm nói.
Miền Trung và Nam Bộ mưa lớn
Do ảnh hưởng của đợt KKL nói trên, từ nay đến khoảng ngày 3 và 4-1-2019 ở hầu khắp các tỉnh Trung Bộ sẽ có mưa. Tuy nhiên, phân bố mưa sẽ có sự khác biệt, đầu tiền là đêm 27-12 khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa do KKL, sau đó mưa do KKL kết hợp với nhiễu động gió Đông nên khả năng mưa sẽ tập trung cao điểm từ ngày 29 đến 31-12 các tỉnh Trung Bộ và Nam Trung Bộ sẽ có mưa rất to, đặc biệt từ Huế đến Phú Yên có nơi mưa lên tới 150mm/ngày, thậm chí có thể cao hơn. Tuy nhiên, lượng mưa phân bố không đồng đều, có nơi ít hơn, nhưng do KKL kết hợp với địa hình vẫn sẽ gây mưa rất lớn.
Ngoài ra, khu vực Trung Bộ đang ảnh hưởng của nhiễu động gió Đông nên vài ngày tới vẫn tiếp tục có mưa to, tuy nhiên, đến khoảng ngày đầu tháng 1-2019 nhận định mưa ở Nam Trung Bộ sẽ giảm bớt so với thời kỳ đầu.
Hà Nội trong đợt này sẽ có mưa, trời rét hại với nhiệt độ thấp nhất có thể 8-11 độ C vào ngày 29 và 30-12, sau đó những ngày tiếp theo cũng vẫn rét đậm, rét hại, nhưng mưa sẽ ít hơn. Còn tại Đà Nẵng sẽ có mưa to, đến rất to trong đợt này, đặc biệt tập trung vào ngày 29 và 31-12, sau đó còn kéo dài nhưng giảm bớt. Còn tại TPHCM 2-3 ngày tới sẽ tiếp tục có mưa dông, nhưng sau đó xu hướng mưa sẽ giảm dần.
Từ ngày 28-12-2018 đến 4-1-2019, trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bắc Bình Thuận khả năng xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông nhỏ ở Thừa Thiên Huế, từ Quảng Ngãi đến bắc Bình Thuận lên mức báo động 1- báo động 2 (BĐ1-BĐ2), có nơi trên mức BĐ2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận.