(Tin Môi Trường) - Công ty TNHH Duy Phát và Công ty TNHH Hương Nhung không được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Đến nay, vào mùa vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mì, tình trạng ô nhiễm trên càng thêm trầm trọng…
Vô tư xả nước thải gây ô nhiễm môi trường
Công ty TNHH Duy Phát và Công ty TNHH Hương Nhung là hai doanh nghiệp sản xuất, chế biến tinh bột mì đóng tại xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong nhiều năm qua, hai doanh nghiệp này có nhiều dấu hiệu sai phạm nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lí đúng theo quy định. Điều đáng nói là, hai doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xả thải ra môi trường(!?)
Hiện Công ty TNHH Duy Phát có 9 hồ chứa nước thải, với tổng diện tích nhiều ha. Ngày 29/8/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Phòng TN&MT huyện Xuyên Mộc đã kiểm tra Công ty TNHH Duy Phát. Theo đó, đoàn liên ngành đã phát hiện Công ty TNHH Duy Phát có 4 ao chứa đầy nước, không lót bạt chống thấm. Trong khi đó, nhiều năm qua, Công ty TNHH Duy Phát đã xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kĩ thuật về chất thải và khai thác nước dưới lòng đất cho hoạt động sản xuất kinh doanh không giấy phép với lưu lượng lớn.
Điều kì lạ là, qua nhiều lần các cơ quan chức năng lập văn bản về những sai phạm của hai doanh nghiệp trên, nhưng không ban hành quyết định xử lí.
Đã nhiều lần phóng viên đến UBND huyện xuyên Mộc và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị làm rõ những dấu hiệu sai phạm của Công ty TNHH Duy Phát và TNHH Hương Nhung, nhưng cho đến nay các cơ quan có trách nhiệm vẫn “im lặng” một cách khó hiểu(!)
Toàn cảnh 4 hồ chứa nước thải của Công ty TNHH Duy Phát nằm trong khu dân cư.
Theo quy hoạch của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, doanh nghiệp chế biến tinh bột mì tại xã Hòa Hưng phải di chuyển ra khỏi khu dân cư để trả lại môi trường trong sạch cho người dân. Theo đó, các doanh nghiệp đã xây dựng cơ sở mới ra khỏi khu dân cư khoảng 400m. Tuy nhiên, 4 hồ chứa nước thải không lót bạt chống thấm của Công ty TNHH Duy Phát nằm trong khu dân cư, cách nhà dân khoảng 50-100m.
Có dấu hiệu bao che
Trong số diện tích đất làm hồ chứa nước thải của Công ty TNHH Duy Phát, có 1.715m2 đất loại M, thuộc tờ số 13, thửa 133, là đất công đang bị tranh chấp, do trước đây UBND xã Hòa Hưng cho bà Nguyễn Thị Ngành thuê nuôi cá, hợp đồng đã hết hạn từ năm 2003. Nhiều năm nay, UBND xã Hòa Hưng đã có văn bản kiến nghị, trình lên UBND huyện Xuyên Mộc để có hướng xử lí dứt điểm, giao lại diện tích đất nói trên cho xã Hòa Hưng quản lí. Thế nhưng không hiểu vì lí do gì UBND huyện Xuyên Mộc “lực bất tòng tâm” trong việc đòi lại đất công!? Người dân đã gửi đơn lên cơ quan chức năng địa phương, với mong muốn xử lí doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, gây cho nguồn nước giếng sinh hoạt đổi màu đen, có mùi hôi… nhưng không được xem xét giải quyết. Các hộ dân sinh sống nơi đây cho biết: Mới đây, trong một cuộc họp với người dân, có các đại diện Sở TN&MT, UBND huyện Xuyên Mộc, UBND xã Hòa Hưng, thông báo rằng, nguồn nước không bị ô nhiễm. Thông báo trên chỉ bằng miệng và cơ quan chức năng không công khai kết quả kiểm tra mẫu nước...
Người dân cho rằng, với lí do, tạo điều kiện tiêu thụ nông sản cho người dân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục cho Công ty TNHH Duy Phát và Công ty TNHH Hương Nhung hoạt động sản xuất trong điều kiện môi trường sản xuất chưa bảo đảm là không thuyết phục. Vì có rất nhiều thương lái ở tỉnh khác đang có nhu cầu thu gom mì trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, mà họ là những doanh nghiệp hoạt động tuân thủ tốt về pháp luật về môi trường.
Phát triển kinh tế đi cùng với việc bảo vệ môi trường đang được Chính phủ xem trọng. Phải chăng các cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi ngược lại chủ trương trên? Cụ thể là việc buông lỏng quản lí cho Công ty TNHH Duy Phát và Công ty TNHH Hương Nhung xả thải nguồn nước ô nhiễm ra môi trường, cùng với nhiều dấu hiệu sai phạm khác trước đây chưa được xử lí. Thậm chí, đến nay, hai doanh nghiệp trên vẫn tiếp tục được xả nước thải ra môi trường trong khi hệ thống xử lí môi trường chưa được cơ quan có thẩm quyền có chứng nhận để cấp phép hoạt động.
Đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh chóng giải quyết nội dung phản ánh trên; thông báo kết quả theo quy định của Luật Báo chí.